Khu kinh tế ven biển và việc xây hạ tầng
Kinh tế - Ngày đăng : 04:44, 28/08/2023
4 khu vực mở rộng của Phan Thiết
Trong kế hoạch phát triển đến năm 2025 và năm 2030, TP.Phan Thiết nhấn mạnh đến 4 khu vực mà với phác thảo ban đầu, nhiều người đã cảm nhận hành trình mở rộng đô thị này đóng vai trò quyết định thay đổi tầm vóc của thành phố. Cụ thể, với khu vực Nam sông, Phan Thiết xác định phát triển đô thị kết nối đến vùng du lịch Tiến Thành, mà trong hơn 2 năm nữa, những con đường như ĐT.719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành để kết nối lên đường bộ cao tốc, Trần Quý Cáp, cầu Văn Thánh… sẽ được tập trung triển khai xây dựng, làm mới, nâng cấp.
Trong khi đó, tại khu vực trung tâm, hàng loạt công trình có cả xây dựng mới lẫn nâng cấp, cải tạo như công viên rừng ngập mặn Hùng Vương, công viên Thương chánh, cải tạo công viên Đồi Dương, hồ Văn Thánh sẽ được triển khai song song với cải tạo nâng cấp các tuyến phố chính. Nhưng dự án trọng tâm, quyết định thay đổi quang cảnh của khu vực này là dự án cải tạo kè bờ sông Cà Ty. Còn đối với khu vực Bắc sông, thành phố mở rộng không gian đô thị gắn với Cảng hàng không Phan Thiết và khu du lịch quốc gia Mũi Né. Riêng đối với khu vực ven biển, thành phố đã đề xuất vào quy hoạch tỉnh tuyến đường ven biển thông suốt từ Tiến Thành đến Hàm Tiến, theo đó đề xuất 2 vị trí cầu vượt, 1 tại cửa sông Cà Ty để kết nối từ khu vực công viên Thương Chánh đến khu vực Nam cảng Phan Thiết và 1 cầu vượt tại cửa sông Phú Hài...
Đó là kế hoạch để xây dựng đô thị Phan Thiết đạt loại I cũng là đô thị trung tâm phía Nam của vùng duyên hải Nam Trung bộ, đô thị du lịch… Nhưng vấn đề đáng quan tâm là huy động nguồn lực để triển khai như thế nào. Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân, giải pháp vẫn là kết hợp vốn ngân sách cùng với thu hút đầu tư xã hội hóa theo từng giai đoạn. Như 2,5 năm qua, với nhiều khó khăn khách quan, thành phố cũng đã huy động nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị để xây dựng thành phố theo phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” với tổng vốn 650 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách tỉnh khoảng 130 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố khoảng 508 triệu đồng và huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 11 tỷ đồng.
Hy vọng cơ chế đặc thù?
Câu chuyện huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng của TP.Phan Thiết, đô thị trung tâm của tỉnh minh họa thêm cho bức tranh đầu tư hạ tầng cơ sở của toàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhờ thực hiện tốt quan điểm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư”, cơ sở hạ tầng đã từng bước được đầu tư đồng bộ, qua đó đã thu hút được nhiều dự án ngoài ngân sách. Kết quả từ năm 2021 đến nay có 67 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt, trong giai đoạn này đã thu hút nhiều dự án lớn như Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn 31.434 tỷ đồng… Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I với tổng vốn đăng ký 47.464 tỷ đồng và dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với tổng vốn đăng ký 49.509 tỷ đồng được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì chưa tương xứng. Tại cuộc họp sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, các điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, chồng lấn titan ở tỉnh đã tháo gỡ cơ bản nên cũng đến thời điểm phải chủ động tìm đến các nhà đầu tư lớn, mời gọi về tỉnh. Đó là công việc không chỉ của Sở Kế hoạch và Đầu tư…
Cũng tại cuộc họp này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Ngọc Tiến thông tin, trong Đề án thành lập khu kinh tế ven biển của tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 289/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận, có xây dựng cơ chế đặc thù nên sẽ có điều kiện kêu gọi nhà đầu tư lớn, thu hút được nguồn vốn lớn. Trước đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển chỉ thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do phương án phát triển hệ thống khu kinh tế ven biển và bổ sung chỉ tiêu đất khu kinh tế ven biển tỉnh Bình Thuận, có nằm trong quy hoạch này và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Ông Tiến thông tin thêm hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xong các bước thủ tục cũng như chỉnh sửa và dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào tháng 9/2023. Sau đó, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành kêu gọi, thu hút, huy động, khai thác các nguồn lực đầu tư, trong đó đáng chú ý có cơ sở để tìm đến các nhà đầu tư lớn, mời gọi về Bình Thuận.