Đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT trong tình hình mới

Xã hội - Ngày đăng : 04:46, 28/08/2023

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), giảm thiểu rủi ro thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đặt lên hàng đầu, bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của nhân dân.

Giảm, nhưng còn nhiều đau thương, mất mát

TNGT ở một số nước và Việt Nam, có mức độ thảm khốc hơn cả những cuộc chiến tranh thời hiện đại, nếu đem so sánh về số người thương vong, thiệt hại kinh tế - xã hội và nỗi đau tinh thần cho người ở lại. Theo thống kê, hiện trung bình hàng năm, ở Việt Nam có khoảng trên dưới 6.500 người chết, 8.000 người bị thương khi tham gia giao thông. Trong năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.448 vụ TNGT, làm 6.364 người chết. Bình quân mỗi ngày có 17 người chết vì TNGT. Thiệt hại về mặt kinh tế và tinh thần là vô cùng to lớn. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và ý thức tham gia giao thông được nâng lên của người dân, tình hình TNGT đang có xu hướng cải thiện đáng kể. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Giảm hơn 760 vụ, giảm gần 490 người chết, giảm trên 210 người bị thương. Tại Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh xảy ra 111 vụ TNGT (giảm 14 vụ), làm chết 80 người (giảm 8 người), làm bị thương 70 người (tăng 5 người, so với cùng kỳ năm 2022). Đây được đánh giá là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại, những con số trên là khó chấp nhận, khi mỗi ngày trong số những người tham gia giao thông tại Việt Nam sẽ có khoảng 20 người không bao giờ trở về nhà.

z4639792650940_79e5459a440b077d787d4cdc97cce646.jpg
Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuần tra xử lý ô tô vi phạm trên quốc lộ 1A

Xác định đảm bảo TTATGT, kéo giảm số người chết và bị thương do TNGT là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới (Chỉ thị số 23). Trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chuyển biến tích cực, bền vững hơn.

Có thể nói Chỉ thị số 23 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới. Chỉ thị 23 đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 5 lĩnh vực giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không, với mục tiêu kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

z4639854808088_58914b1ff93ecb0862cd5373da995a4a.jpg
Một vụ tai nạn lật xe trên đường 706B xảy ra vào tháng 6/2023.

Cụ thể hóa Chỉ thị 23 trên địa bàn tỉnh

Tại Bình Thuận những năm qua, công tác đảm bảo TTATGT cũng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện với những kết quả tích cực từ giảm số vụ, số người chết và bị thương; mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế là số vụ, người chết, bị thương vẫn còn cao, ý thức chấp hành TTATGT của một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, đảng viên vẫn còn hạn chế. Do vậy đòi hỏi phải có sự lãnh chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 177-KH/TU để thực hiện Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành, cán bộ, đảng viên... và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm TTATGT. Kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.

Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT. Ngoài ra, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông…

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW và Kế hoạch 177, xác định công tác bảo đảm TTATGT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, điều tra, xử lý nghiêm minh, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT, để có giải pháp phòng ngừa, khắc phục có hiệu quả.

Tăng cường trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng…

Có thể nói việc triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị 23 về công tác đảm bảo TTATGT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình mới hiện nay. Bởi không chỉ đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Hy vọng rằng không chỉ cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên mà người dân cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, để cùng chính quyền đảm bảo TTATGT, mang lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc.

Trần Huỳnh