Khi vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản được phát huy

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 03:40, 30/08/2023

Bằng kinh nghiệm, uy tín và vị thế của mình, thời gian qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín… trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS nói riêng, trong sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung. Đội ngũ này đã trở thành cầu nối chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS.

Những đóng góp thiết thực

Bà con người Chăm ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình không ai không biết đến Sư cả Xích Dự - Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà Ni tỉnh Bình Thuận, bởi những đóng góp thiết thực mà ông đã làm cho địa phương. Để góp phần cùng địa phương duy trì và nâng cao mức chuẩn xã nông thôn mới, Sư cả Xích Dự đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động như: Mô hình “Tủ sách pháp luật” để giúp người dân nắm bắt nhiều thông tin về pháp luật; mô hình “Chức sắc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” cùng bà con giữ gìn vệ sinh môi trường ở cũng như đường làng, ngõ xóm. Bên cạnh đó, Sư cả cũng đã vận động mạnh thường quân đổ đất, cát san lấp 4 con đường bị lún, đọng nước ở khu dân cư, vận động bà con đóng góp kinh phí để tu sửa khu mai táng và bê tông 3 con đường trong thôn, phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, năm 2017, Sư cả Xích Dự đã cùng với các vị chức sắc khác xây dựng mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được cải thiện rõ rệt. Sư cả Xích Dự cho biết: “Để bà con tin và làm theo, thì điều cốt lõi chính là bản thân mình phải làm gương trong công việc, mà phải là từ việc nhỏ đến việc lớn như Bác Hồ đã dạy. Đồng thời, thường xuyên tranh thủ đến các hộ dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ. Từ đó, giải thích, hướng dẫn để bà con hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

z4645087227401_54c9ee22c06666765e71a8727eafff4e.jpg

Theo ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua các vị chức sắc trong các Hội đồng và Người có uy tín, Già làng, Trưởng bản trong đồng bào DTTS là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Đội ngũ này đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Họ đã thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc. Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh đã cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, nhân sĩ trí thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: vận động bà con tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động lớp trẻ giữ gìn nếp sống văn hóa của dân tộc và mặc trang phục truyền thống...Đồng thời, với vai trò và uy tín của mình, các vị chức sắc, người có uy tín tích cực nghiên cứu, đề xuất cộng đồng dân cư xây dựng, đưa những nội dung tiến bộ, tốt đẹp vào trong quy chế, quy ước chung để cộng đồng cùng thực hiện chung.

“Với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của người có uy tín, già làng, trưởng bản, đã góp phần tích cực để các cấp, các ngành chủ động triển khai lực lượng, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm được triển khai sâu rộng đến cấp cơ sở, đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, như: “Ánh sáng an ninh”, “Camera an ninh”, “Dòng tộc văn hóa, tự quản về an ninh trật tự”, “Đội xung kích bảo vệ an ninh trật tự đường phố”, “Khu dân cư phòng, chống ma túy”...”, ông Tân chia sẻ.

Tiếp tục phát huy hơn nữa

Nắm bắt được vai trò quan trọng của đội ngũ này, hàng năm, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín, với nội dung cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; vận động người có uy tín tích cực tham gia các phong trào, gương mẫu để gia đình, người thân, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mang lại hiệu quả thiết thực.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tình huống phức tạp về an ninh trật tự, như các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất đồng chính kiến lợi dụng những bất cập của công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc... để kích động, xúi giục người dân biểu tình, bạo loạn, chống đối, nhất là tác động, lôi kéo những người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, các đối tượng tệ nạn xã hội, người có đạo, đồng bào DTTS... Chính vì vậy, đội ngũ này cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình.

Ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò các vị chức sắc trong các Hội đồng, người có uy tín; trong đó chú ý thực hiện tốt các nội dung như: Quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách cho người có uy tín, để lực lượng này có các phương tiện, điều kiện cần thiết để thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Đồng thời tổ chức thăm gặp thường xuyên nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ các vị chức sắc trong các Hội đồng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào và nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh nổi lên. Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, phát hiện và tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý có hiệu quả, kịp thời các biểu hiện gây ảnh hưởng đến công tác quốc phòng - an ninh, không để xảy ra “điểm nóng” ở địa phương; không để các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm xuất hiện trên địa bàn hoặc để nhân dân vì bức xúc, bị kích động tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. “Muốn thực hiện được những việc này chúng ta phải chú ý đa dạng hóa các hình thức hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, vùng thường xuyên phát sinh những vấn đề mới (như ô nhiễm môi trường, khiếu nại, khiếu kiện...); đổi mới công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy tốt hơn, thực chất hơn vai trò của lực lượng cốt cán chính trị nói chung và vai trò của các Hội đồng chức sắc, người có uy tín, già làng, trưởng bản”, ông Tân cho biết thêm.

Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, với 104.066 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh có nguồn gốc, xuất thân từ nhiều thành phần, dân tộc, ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau, như: Già làng, trưởng tộc, trưởng thôn, tổ tự quản; đảng viên, cán bộ đã nghỉ hưu và đang công tác; các vị chức sắc, thầy cúng, thầy mo, nhân sĩ, trí thức… với 91 người thuộc 8/10 huyện, thị và thành phố.

Ngọc Diệp