Gắn chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lợi thế

Kinh tế - Ngày đăng : 04:05, 30/08/2023

Cùng với nhiều sản phẩm vùng miền khác trưng bày ở Tuần lễ Văn hóa đường phố 2023, nước mắm Phan Thiết, trái thanh long Bình Thuận và các sản phẩm chế biến từ thanh long được nhiều người trong, ngoài tỉnh đến tìm hiểu, mua dùng trong những ngày hội diễn ra ở đường Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết. Điều đó chứng tỏ khách hàng thường thiên về các sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý, tin tưởng chất lượng sản phẩm.

Thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long, chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm đã, đang được khẳng định trên thị trường trong nước và một số nước trên thế giới. Trong hội nghị liên quan lĩnh vực này vào tuần qua, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho rằng: “Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long. Bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” đã được 13 nước tại Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản chấp thuận. Cùng đó bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM – FISHSAUCE & hình” tại 3 nước: Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia. Toàn tỉnh cũng đã có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm 30 nhãn hiệu tập thể và 8 nhãn hiệu chứng nhận; cùng 76 sản phẩm đạt sao OCOP”. Đây là những thương hiệu được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng, cơ sở, doanh nghiệp, nhà vườn có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

img_8971.jpg
 Thanh long ruột đỏ và các sản phẩm được chế biến từ trái thanh long Bình Thuận

Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn không ít khó khăn; việc hàng nhái hàng giả các thương hiệu trong tỉnh ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một phần, một số doanh nghiệp tập trung sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất cũng chưa đáp ứng được các rào cản thương mại khi đi ra thị trường quốc tế. Chính vì vậy, xuất khẩu trực tiếp đối với các cơ sở, doanh nghiệp trồng chế biến thanh long, chế biến nước mắm tại Bình Thuận hiện nay còn “khiêm tốn”, không ít cơ sở gia công cho các doanh nghiệp lớn, giá trị gia tăng không cao.

img_8978.jpg
 Các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường, thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long, chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm, các chuyên gia đã giới thiệu với các cơ sở, doanh nghiệp các chuyên đề phát triển thương hiệu. Đó là: Ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần đổi mới phương thức trong sản xuất, thương mại bền vững; định hướng hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; kinh nghiệm khai thác tài sản trí tuệ, phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp, vận dụng cho sản phẩm thanh long “Bình Thuận” và nước mắm “Phan Thiết”; hướng dẫn về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, khai thác nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo bộ. Định hướng và giải pháp hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị tài sản trí tuệ cho nông sản Bình Thuận. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030; khai thác và quản lý các tài sản sở hữu trí tuệ địa phương.

Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình chú trọng ghi chép dữ liệu, truyền thông tin sử dụng nhật ký nông trại, đảm bảo cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đồng nhất thông tin sản phẩm. Các cơ sở, nhà vườn tạo và xác thực mã quản lý duy nhất cho từng đơn vị sản xuất: địa điểm trồng trọt, nhà máy chế biến, tổ chức chịu trách nhiệm về sản phẩm, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa.

 

T. Khoa