Nguy cơ cháy nổ từ loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh
Pháp luật - Ngày đăng : 05:32, 05/09/2023
Vụ cháy tại tiệm sửa xe honda kết hợp nhà ở trên địa bàn xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết vào đêm ngày 31/8 vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy nổ ở loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh các tiệm tạp hóa hay cửa hàng tạp hóa được nhiều hộ gia đình lựa chọn làm hình thức kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình. Hầu hết các mô hình này trưng bày sản phẩm như một cửa hàng bách hóa thu nhỏ, là nơi lưu trữ và bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau như các mặt hàng đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ học tập…
Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu dân cư đông người, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép… Nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có hệ thống thoát khói. Trong khi, phần lớn diện tích trong nhà ưu tiên cho kinh doanh và sinh hoạt nên lối đi lại chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách PCCC. Bên cạnh đó, hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Do không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện xuống cấp. Ngoài ra, có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện.
Thế nhưng, đa số các chủ hộ đều rất ít quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH); thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; không trang bị hoặc trang bị thiếu các thiết bị chữa cháy và CNCH; vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, các thiết bị điện kém chất lượng; các hộ kinh doanh bố trí bếp nấu ăn, nơi thờ cúng gần khu vực chứa hàng hóa, trong khi đây đều là những mặt hàng dễ cháy, nổ. Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo, công trình sai với quy định khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và CNCH khi sự cố xảy ra gặp nhiều khó khăn.
Nguy hiểm hơn, nhiều hộ còn thiết kế thêm các lồng sắt, khung nhôm kính che kín ban công để chống trộm, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên khi có cháy nổ xảy ra, những lồng sắt, khung nhôm này lại là vật cản để người dân thoát ra ngoài và cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, dập tắt đám cháy.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thời gian vừa qua các sở ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong khu dân cư, lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, phương tiện truyền thông về các quy định và kiến thức cơ bản về PCCC, kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng. Công an tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn PCCC đối với các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Qua kiểm tra, Công an tỉnh đã nhắc nhở, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, ngoài các giải pháp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thì chính các chủ hộ cần phải tuân thủ nghiêm những quy định và trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.