Vùng Chăm Phú Lạc “thay áo mới”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 08/09/2023

Trở lại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong những ngày đầu tháng 9, mới thấy sự đổi thay vượt bậc của xã miền núi trung du thuần đồng bào dân tộc thiểu số.

Phú Lạc hôm nay

Nếu trước đây, người dân vùng Chăm Phú Lạc chỉ dựa vào cây lúa với 3 vụ/năm, thì nay họ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp. Nhìn những vườn nho xanh mướt xen lẫn chùm quả lúc lỉu trải dài, cùng những vườn táo phủ màn tới mùa thu hoạch, mới thấy kinh tế của người làm nông nơi đây đã đổi mới. Không chỉ vậy, việc đa canh cây trồng trong đó trồng ớt, hành, đậu phộng cũng giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập đáng kể. Để nông dân mạnh dạn chuyển đổi phải nhắc đến các công trình thủy lợi, các kênh mương nội đồng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa. Có nước về, thì mọi vấn đề khó, khổ trước đây của thời tiết bỗng dưng trở thành lợi thế của những cây trồng. Nho và táo hiện nay là những cây trồng lợi thế và trở thành đặc sản của địa phương. Hiện toàn xã có gần 1 ha nho hồng nhật, 22 ha nho xanh và 18 ha táo trồng giàn có phủ lưới. Thời tiết nắng gắt và gió nhiều là bất lợi trong canh tác nhưng lại là điểm cộng cho cây trái nơi đây thêm ngon, giòn và ngọt hơn.

vuon-tao-o-phu-lac-tuy-phong-anh-n.-lan-2-.jpg
vuon-nho-o-phu-lac-tuy-phong-anh-n.-lan-2-.jpg
Nho và táo hiện nay là những cây trồng lợi thế và trở thành đặc sản của địa phương (ảnh: N. Lân)

Ông Mai Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết: “Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mà thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phú Lạc vào cuối năm 2022 đạt 44,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt 4,9%. Đặc biệt, nhắc đến Phú Lạc, dân trong vùng liền nhắc đến sản phẩm “Gạo Sông Lòng Sông” của cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố, đã được phân hạng 3 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020”.

z4668754465244_8b601c6b886ba7a6a71522416b2bca3b.jpg
100% đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.

Đi sâu vào các ngõ nhỏ, mới thấy Phú Lạc đã có “tấm áo mới” tinh tươm khi 100% đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo thuận tiện đi lại của người dân và việc giao thương hàng hóa nông sản với các vùng, xã, thị trấn trong và ngoài huyện cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hộ sử dụng điện, nước sinh hoạt đã phủ khắp xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của trường học các cấp trên địa bàn đã được đầu tư khang trang. Nhà văn hóa, khu thể thao được quan tâm đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp, qua đó phục vụ nhân dân sử dụng giải trí, hoạt động thể thao cũng như sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng. Có thể thấy, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây đã thay đổi từng ngày.

z4668754465218_2589405a33dad099eaa7ae2ea5222318.jpg
Cờ treo đỏ rực trên con đường huyết mạch vào UBND xã.

Khi chúng tôi đến, cờ treo đỏ rực trên con đường huyết mạch vào UBND xã, như thông báo tin vui cho những ai tình cờ ghé ngang qua, Phú Lạc vừa đón nhận bằng công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Khi trò chuyện với người dân trong vùng, họ đều phấn khởi “khoe” với chúng tôi về tin vui ấy như một sự hãnh diện, vui mừng.

le-hoi-ke-te-tren-thap-po-tam-phu-lac-tuy-phong-anh-n.-lan-6-.jpg
Lễ hội Ka tê  trên tháp Pô Tằm - Phú Lạc (ảnh: N. Lân)

Bước phát triển đột phá

Theo lãnh đạo UBND huyện, Phú Lạc là địa phương giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, mảnh đất và con người nơi đây luôn tạo ra những điểm sáng, những bước phát triển đột phá của các phong trào cách mạng. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Phú Lạc đã có những chuyển mình đổi thay tích cực theo xu thế phát triển chung của cả nước. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đúng mức; văn hóa, y tế, giáo dục cũng như an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Hệ thống chính trị có mối quan hệ khá chặt chẽ, tạo được sự đoàn kết, thống nhất. Từ nền tảng vững chắc ấy, Phú Lạc có đầy đủ điều kiện và cơ hội để phát triển và hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM theo đúng kế hoạch.

z4668754476199_5bf577d4ee8e0a95ce69ef42680e426b.jpg
Trường tiểu học Lạc Trị đạt chuẩn Quốc gia

Đến cuối năm 2022, xã Phú Lạc cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận xã NTM với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt như: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,09%; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa năm sau tăng hơn năm trước; có 3/3 thôn đạt thôn văn hóa nhiều năm liền; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh; 100% hệ thống giao thông nông trục thôn, liên thôn được cứng hóa; không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 91,25%. Tuyển sinh trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%; công tác bảo vệ giữ gìn vệ sinh môi trường đã có chuyển biến tích cực, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện; có nhiều mô hình hay về đảm bảo về an ninh trật tự; diện mạo nông thôn mới được hình thành ngày một rõ nét…

“Để đạt xã NTM đã khó, giữ chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt còn khó hơn. Vì thế, với phương châm NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, mong rằng cán bộ, nhân dân xã Phú Lạc phải tiếp tục đoàn kết chung sức, chung lòng nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Ngoài ra, phát triển và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao. Tập trung huy động và lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng NTM, khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy thế mạnh của địa phương, vận động mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”, ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện đã gửi gắm như thế tại Lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về NTM vào cuối tháng 8 vừa qua.

Minh Vân