Tuy Phong: Phát triển kinh tế tập thể từ các mô hình tổ nghề nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 08/09/2023
Táo trở thành cây trồng chủ lực ở xã miền núi
Không nằm ngoài những khó khăn chung của nông dân cả nước, bà con miền núi Phong Phú cũng phải đối mặt với thực tế giá cả nông sản bấp bênh, giá đầu vào tăng cao, thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bà con. Khác chăng, trong thời điểm ấy, Hội Nông dân xã xác định, công tác hội thực sự vững mạnh là nơi nương tựa của hội viên nông dân. Do đó, Hội nông dân xã đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó gồm 3 tổ nghề nghiệp cây táo, 1 tổ nghề nghiệp cây bưởi, chi hội nghề nghiệp cây táo. Ông Phan Thanh Lâm – Tổ trưởng tổ nghề nghiệp cây táo thôn 1, xã Phong Phú khi gặp chúng tôi đã chia sẻ niềm vui của nông dân khi thành lập tổ, với trên 20 thành viên. Ông Lâm cho biết, cây táo của các thành viên áp dụng trong mô hình nhà lưới, sử dụng phân hữu cơ, sinh học để đảm bảo chất lượng. Các thành viên trong tổ mong muốn cây táo của xã Phong Phú sẽ có mặt ở các siêu thị và các thị trường trong nước, khẳng định thương hiệu vùng miền.
Ông Võ Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú nhìn nhận, qua xây dựng các mô hình kinh tế tập thể của chi, tổ hội cho thấy hiệu quả bước đầu. Đến nay hầu hết các thành viên trong tổ đã nắm bắt được quy trình sản xuất và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Theo kế hoạch, sắp tới xã Phong Phú sẽ đưa cây táo là cây chủ lực của xã và là sản phẩm OCOP của địa phương.
Phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân
Theo bà Nguyễn Hoàng Bích Loan – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phong, thành công bước đầu trong hoạt động hội của xã Phong Phú đã thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân, củng cố niềm tin của hội viên. Mặt khác, Huyện hội xác định việc xây dựng mô hình tổ chức chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp là vấn đề cấp thiết trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội trong tình hình hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở. Bởi đây là cầu nối của cơ sở Hội với hội viên, được tổ chức theo thôn, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp.
Qua đó, nhằm tập hợp những hội viên cùng chí hướng, cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng theo chuỗi giá trị. Các cấp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp. Bằng sự cố gắng, nỗ lực, trong thời gian qua các cấp Hội trong huyện đã tập trung triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, từ đó tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.
Tuy vậy, thực tế cho thấy hiện nay việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân chưa được rõ nét và chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, để phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã, Hội Nông dân huyện Tuy Phong cho biết, sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh. Cùng với đó, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên ở các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, vận động, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp…
Sau nhiều năm phát triển, mảnh đất Tuy Phong giờ đã đổi thay tích cực. Các loại cây trồng chủ lực, lợi thế, nhờ thổ nhưỡng, công sức con người, vai trò tích cực của hội nông dân các cấp, đã và đang tạo nét đặc trưng kinh tế nông nghiệp riêng của vùng đất nắng gió.
Hội Nông dân huyện Tuy Phong cho biết, tính đến nay toàn huyện đã thành lập được 7 chi hội nghề nghiệp và 13 tổ hội nghề nghiệp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Hoạt động của tổ hội nông dân nghề nghiệp với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên.