Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Kinh tế Bình Thuận đang tăng trưởng nhanh
Kinh tế - Ngày đăng : 09:38, 08/09/2023
Kinh tế Bình Thuận đang tăng trưởng nhanh
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội do đồng chí Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Bình Thuận thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội, các dự án quan trọng Quốc gia lĩnh vực giao thông kết hợp khảo sát phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Đoàn còn có đồng chí Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại diện các tiểu ban trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Về phía tỉnh có đồng chí Dương Văn An, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Báo cáo với đoàn công tác đồng chí Đoàn Anh Dũng cho hay: Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng trưởng ổn định, năm 2021 đạt 2,6%, năm 2022 đạt 7,56%, năm 2023 ước đạt 7,2%. Tỉ lệ huy động thu ngân sách nhà nước so với GRDP năm 2021 đạt 13,41%, năm 2022 đạt 11,41%, năm 2023 ước đạt 8,04%. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP năm 2021 đạt 39,93%, năm 2022 đạt 42,86%, năm 2023 ước đạt 42,58%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 54,5 triệu đồng (bằng 1,15 lần thu nhập năm 2020). Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 ước đạt 0,52%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 41.377 tỷ đồng, tăng 15,47% so với năm 2021. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Năm 2023, lượng khách đến tỉnh ước đạt 6,72 triệu lượt khách (bằng 378,71% so với năm 2021). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 16.500 tỷ đồng (bằng 396,8% so với năm 2021). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến ngày 24/8/2023 đạt 1.989 tỷ đồng, đạt 41,09% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư phát triển các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đến ngày 22/8/2023 là 100 tỷ đồng, đạt 57,44% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư phát triển các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đến nay là 17,5 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân đạt 12,5%/năm. Tỉnh đã thành lập các Tổ công tác, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Qua báo báo và ý kiến của các ngành, đồng chí Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Bình Thuận trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Đoàn cũng thống nhất với các kiến nghị của Bình Thuận, nhất là chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các Quyết định của UBND tỉnh giao sở, ban, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước và quốc phòng - an ninh và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 và các năm tiếp theo, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ đề ra, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế theo kế hoạch đã đề ra. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh ngay khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục rà soát, hoàn thành các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường phát triển toàn diện kinh tế biển. Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, cụ thể: Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, tập trung vào điện gió ngoài khơi; điện mặt trời và điện khí LNG. Tạo điều kiện để sớm khai thác các dự án nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II, kho cảng LNG Sơn Mỹ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều thuận lợi để sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng thu hút các nhà đầu tư KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2.
Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn. Thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết, hỗ trợ nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, đẩy mạnh khai thác nguồn thu có dư địa lớn. Quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.
Thực hiện có hiệu quả các vấn đề xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch về chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả; kiên quyết đẩy lùi nạn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc...