Báu vật của văn hóa Chăm - tượng Phật Avalokitesvara
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:53, 10/09/2023
Từ những sự tình cờ phát hiện pho tượng cổ
Đầu tháng 9/2001, tôi nhận được một cú điện thoại từ đồn biên phòng 436 thông báo: một người dân ở thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình phát hiện 1 tượng Phật với hình dáng lạ, đã giao nộp cho đồn biên phòng 436.
Khi chúng tôi đến đồn biên phòng 436 tiếp nhận tượng đá, nhiều người dân cùng đến, trong đó có ông Mai Văn Chiến kể lại cho chúng tôi biết: Pho tượng đá này được cha ông tìm thấy trong một lần làm rẫy trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Khi đưa về nhà, nhìn thấy pho tượng từ hình dáng đến khuôn mặt, lại có đến 4 cánh tay, ai cũng sợ.
Do có sự hiểu biết về y học và chữa bệnh trong dân gian, đồng thời một số người khuyên ông nên sử dụng pho tượng làm nghề thầy pháp chữa bệnh cứu người. Sau đó mấy năm cha ông bị chết do máy bay Pháp bắn. Thấy người dân cần sự chữa bệnh, nhất là phải có pho tượng khi làm bùa chú, nên bác của ông là Bảy Thọ tiếp tục sử dụng pho tượng hành nghề thầy pháp. Sau khi ông Bảy Thọ chết, phần thì sợ phần không ai tiếp tục làm nghề thầy pháp, gia đình đưa pho tượng bí mật đi chôn sâu xuống đất.
Tưởng như vậy thì pho tượng được yên nghĩ mãi mãi. Không ngờ trận lụt lịch sử năm 1996 ở xã Hòa Thắng, nhiều trận mưa lớn liên tục làm pho tượng lộ diện. Nhiều người thấy sự việc này và đồn thổi, thêu dệt nên những chuyện ma quái, nên trong thôn mọi người rất sợ. Họ nghĩ rằng pho tượng bằng đá rất nặng lại bí mật chôn sâu thì sao nổi lên được, mà nổi phần đầu lên trước, khuôn mặt dính bùn đất với ánh mắt oán trách. Nhiều người cho rằng đó là Ngài muốn được ở trong ngôi đền đàng hoàng chứ không thể nằm sâu dưới đất mãi như vậy. Mọi người khấn vái và lại bí mật đi chôn tiếp.
Thời gian sau đó mấy năm cũng rất tình cờ ông Ngô Hiếu Học ở xã Hòa Phú về mua đất cất nhà ở thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng khu vực người dân bí mật chôn pho tượng mấy năm trước đây. Rồi lại cũng tình cờ khi đào hố xây cổng tường rào, ông Học phát hiện một tượng đá ở độ sâu 40cm. Nhiều người trong thôn biết việc này và bản thân ông Học cũng hiểu biết pháp luật về di sản văn hóa. Do đó ông Học đưa pho tượng giao nộp cho UBND xã Hòa Thắng, UBND xã chuyển cho đồn Biên phòng 436 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.
Sự thật về pho tượng
Nghiên cứu về tôn giáo và tín ngưỡng của vương quốc Chămpa trong lịch sử cho thấy, Phật giáo được du nhập vào rất sớm khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ 10.Trong đó các di sản kiến trúc để lại đậm nét là Phật viện Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chính là trung tâm kiến trúc Phật giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa và lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ 9.
Cùng thời kỳ này xứ Panduranga ở phương nam của vương quốc Chămpa (Ninh Thuận, Bình Thuận) ngày nay cũng theo Phật giáo. Nhiều tượng Phật được tìm thấy, như: tượng Phật “Usnisa” ở Phan Thiết thế kỷ VII-IX; tượng Phật nổi ở chùa Kim Bình, xã Hàm Thắng; sưu tập tượng Phật đồng phát hiện ở xã Hàm Nhơn năm 1973 thế kỷ 9 – 10.
Pho tượng ở thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng phát hiện lại năm 2001 chính là tượng Avalokitesvara - vị Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa thời kỳ này. Tượng có niên đại vào thế kỷ thứ 9, đây là hiện vật gốc độc bản cho đến thời điểm này.
Khi tiếp nhận pho tượng chúng tôi thấy trên thân tượng sơn nhiều màu xanh, trắng, vàng nhạt. Hỏi ra mới biết là người tìm thấy đầu tiên đã sơn như vậy để sử dụng pho tượng hành nghề thầy pháp. Tuy vậy, nghiên cứu kỷ hơn thì thấy dấu sơn cũ hơn rất nhiều vài thế kỷ, dạng như màu và kỷ thuật sơn tượng vua và Kut trong các đền thờ vua Chăm nhiếu thế kỷ trước.
Tượng Avalokitesvara đứng trên bệ có vòng cung phía sau. Từ một phiến đá sa thạch, từng đường nét và kỷ thuật chạm trổ điêu luyện trên đá đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình với sự cân xứng về hình thái cơ thể học.Phần đầu của tượng với búi tóc cao, trên đầu là chiếc mũ hình tháp nhiều tầng, mặt trước chạm nổi một tượng Phật đang thế ngồi khá rõ nét, đó là tượng Phật A Di Đà cổ ngồi tọa thiền, như câu ca nói về vị Phật này: “Tây phương có Phật Di Đà. Ngồi trong mũ báu Phật Bà Quan âm”. Khuôn mặt hiền dịu rất phù hợp với thân mình thon thả, thanh thoát và ngực để trần. Tượng có 4 cánh tay: tay phải trên cầm chuổi hạt, tay trái trên cầm cuốn sách. Hai tay dưới đưa ra phía trước, tay trái cầm bình nước Cam lồ, bàn tay trái bị mất (nếu còn thì thường là cầm búp sen), 2 tai to và dài tận cổ. Nghệ nhân xưa đã chạm khắc kỳ công tạo nên nhiều yếu tố trang trí chi tiết nhằm mô tả năng lượng mầu nhiệm của Phật.
So với các loại tượng cổ trong văn hóa Chăm từ khu vực Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và cả ở Bình Thuận thì pho tượng này có một dáng vẻ rất riêng là bản gốc, độc bản. Được biết hiện nay Sở VHTTDL đang phối hợp với các nhà nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học, vìđây là một kiệt tác chưa từng được biết đến và là ứng viên cho đợt xét duyệt sắp tới để Chính phủcông nhận bảo vật quốc gia đầu tiên của Bình Thuận.