Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:44, 11/09/2023

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động nông thôn nói riêng đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho thị trường lao động.

Gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 8 cơ sở tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp với 1.092 giáo viên dạy nghề đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo theo quy mô và phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương.

5520276d-2553-41fd-9415-576ecbbbf686.jpeg
Học viên sau học nghề có việc làm ổn định

Những năm qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề tại tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đặc biệt, việc đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp. Việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm, được các trường cao đẳng, trung cấp và một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp triển khai có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp (như nhà hàng, khách sạn, điện lạnh, may, ô tô, năng lượng)... Các cơ sở đã có nhiều năm hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc hợp tác đào tạo và cung ứng lao động, gửi học sinh, sinh viên thực tập, kiến tập đã nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp như học bổng, thiết bị đào tạo, tham gia giảng dạy một số mô đun kỹ năng trong chương trình đào tạo, tham gia và xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo. Cùng với đó, ngành, nghề, hình thức và trình độ đào tạo của các cơ sở khá đa dạng nên đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đào tạo, tuyển dụng của doanh nghiệp...

e682bada-48df-4cb8-9f01-90521baf0250.jpeg
Cán bộ, giáo viên được tham quan xưởng thực hành đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Bình Thuận.

Nâng cao hiệu quả đào tạo

Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu. Chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, một số nghề tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chưa cao, phần nào chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là những ngành nghề mới, nghề mũi nhọn. Số học sinh đăng ký học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp còn hạn chế; một số các ngành nghề thu hút học sinh tham gia học nghề còn ít. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành ở một số ngành nghề chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, chưa đảm bảo yêu cầu đào tạo. Một số địa phương chưa quan tâm để chỉ đạo làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đạt mục tiêu đặt ra là phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn, tránh tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội. Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường liên kết xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền học nghề cho người lao động, trong đó đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đổi mới phương thức đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và đi sâu hơn vào chất lượng phù hợp cơ cấu lao động theo các cấp trình độ để góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức. Nâng cao hiệu quả đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua việc mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Sau 10 năm (2013 - 5/2023), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 127.836 người (cao đẳng 5.629 người, trung cấp 6.684 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 115.523 người), trong đó, tuyển mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 57.345 người. Số lao động sau khi đào tạo, đã vận dụng kiến thức, kỹ năng ngành nghề đào tạo tham gia vào thị trường lao động.

Thanh Thuỷ