Hỗ trợ lao động thất nghiệp: Tìm giải pháp bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 10:40, 11/09/2023
Báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây đã nhận định, các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng thị trường lao động trong nước những tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở thực tiễn. Các nước kinh tế chưa phát triển và đang phát triển, có mức thu nhập trung bình và thấp sẽ chịu tác động rất lớn từ khủng hoảng này. Điều này xuất phát từ việc tiềm lực kinh tế của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hạn chế. Bản thân sức chống chịu của doanh nghiệp cũng không mạnh mẽ như nước phát triển, người lao động có thu nhập thấp nên khó tiếp cận về an sinh xã hội. Do đó, thị trường lao động đã khó lại càng khó khăn hơn đối với các nước thu nhập trung bình và thấp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
“Điều này cảnh báo rất lớn cho phục hồi thị trường của nước ta cũng đang gặp khó khăn nhất định”, ông Quảng quan ngại.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, để phục hồi thị trường lao động, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, tổng thể. Quốc hội đã có 9 Nghị quyết chuyên đề liên quan đến phục hồi kinh tế giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Chính chính sách hỗ trợ này giúp thị trường lao động phát triển nhẹ mặc dù chỉ số phát triển kinh tế không thuận lợi, đặc biệt cân đối được các vấn đề lớn của thị trường lao động: Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
“Thị trường lao động có sự linh hoạt, từ đó tạo việc làm ổn định. Mặc dù lao động khu vực phi chính thức vẫn còn cao (64,8%), nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,5%. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tốt. 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng 650.000 lao động. Như vậy vẫn đảm bảo về cung cầu lao động”, ông Quảng nhận định.
Nói về những thách thức của thị trường lao động hiện nay, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, bên cạnh những khó khăn của doanh nghiệp, thì chất lượng nguồn lao động vẫn là một trong những điều đáng bàn.
“Chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo – đây là trở ngại, thách thức khi người lao động đi tìm công việc mới. Để giải quyết thách thức này, bên cạnh doanh nghiệp cần sự phát triển sản xuất thì bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới.
Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động phải đồng hành giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, phải hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như chính sách phát triển thị trường lao động bền vững. Vừa qua, đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, nhưng tôi cho rằng các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Quảng cũng đơn cử như chính sách bảo hiểm thất nghiệp nên hướng đến việc đảm bảo việc làm, tay nghề cho người lao động hơn là hỗ trợ tiền khi đã mất việc. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng người lao động mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
“Hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… càng gặp nhiều khó khăn.
Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập như cũ thì càng khó khăn. Trong khi đó, chi phí đời sống phục vụ sinh hoạt gia đình càng ngày càng cao. Nhiều người trong số họ buộc phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp mà không đủ thời gian, điều kiện để học nghề mới. Vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho người lao động, giúp họ có điều kiện quay trở lại thị trường lao động khi mất việc làm”, ông Quảng nói.