Cảnh giác với tin nhắn lừa đảo trên mạng xã hội

Pháp luật - Ngày đăng : 05:36, 12/09/2023

“Facebook của mình bị kẻ xấu hack chiều qua, bạn đừng làm theo yêu cầu của nó…”, những dòng trạng thái cảnh báo như vậy không còn xa lạ trên mạng xã hội facebook.
z4679514294206_e6cc609d824976fc0c8778b04fe58065.jpg
Kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản của P.H, nhắn tin cho nhiều người bạn nhờ giúp đỡ, hướng dẫn đăng nhập...

Tâm lý khi nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè qua điện thoại hoặc các ứng dụng nhắn tin trên Facebook, Zalo, Viber, Twitter, Youtube, Instagram… ai cũng nhắn tin trả lời lại ngay. Chị P. L ở phường Phú Thủy cũng không ngoại lệ. Một chiều cuối tháng 8 mới đây, điện thoại của chị L vang chuông tin nhắn. Chị mở messenger - ứng dụng nhắn tin của mạng xã hội facebook thấy H, một người bạn học, nhắn tin: “Alo!”. “Chị nè!”, L đáp, với không mảy may suy nghĩ vì bạn bè vẫn thường xuyên nhắn tin qua lại cho nhau. H nhắn tiếp: “Nhà con bạn có đứa cháu đi thi hát nhờ vào giúp 1 số điện thoại bình chọn cho cháu thi được điểm cao, có được không?”. Đồng thời xin L số điện thoại để đăng nhập với một ứng dụng để bình chọn.

anh-1.jpg
Đoạn tin nhắn L hỏi bạn.

Vì tin và muốn giúp bạn, L đã gửi số điện thoại cho H. Sau đó, H hướng dẫn L vào tin nhắn trên facebook lấy mã đăng nhập. L vào tin nhắn, thấy mã số: 371683 với lời yêu cầu: "Nhập mã này vào thiết bị bạn đang cần đăng nhập. Vui lòng không chia sẻ mã này với bất kỳ ai khác”. Tuy nhiên, thao tác đến đây, L dừng lại, với nghi ngờ rằng, mình có đang bị kẻ xấu dẫn dụ, dù lòng vẫn tin H đang cần mình giúp đỡ. Rồi L nhớ đến những người bạn khác trong nhóm bạn chơi chung, với suy nghĩ, gọi thử để hỏi xem H có nhờ “bình chọn cho cháu của H” như mình.

“À! lừa đó nha, hôm qua mình cũng nhận được. Facebook của H bị kẻ xấu hack rồi”, T - một trong những người bạn đáp lại. L vỡ lẽ, đồng thời gọi cho H xác minh lại thì đúng như T nói.

Chuyện L bị kẻ xấu giả danh, không phải là mới mà rất nhiều người dùng mạng xã hội thời gian qua mắc phải. Cùng một thủ đoạn kẻ xấu (hacker) chiếm đoạt tài khoản facebook của người dùng, rồi nhắn tin đến hàng chục người bạn trong danh sách bạn bè trên facebook của người dùng, tìm cách chiếm đoạt tài sản.

Trong đó không phải ai cũng may mắn như L, mà có người đã bị chúng chiếm đoạt tài sản. Điển hình như bạn bè của Hà Ngân ở La Gi, cách đây 2 năm tài khoản của chị bị hack, kẻ xấu giả danh mượn tiền một số bạn bè của chị. “Có người mất 3 triệu đồng, người thì 2 triệu đồng... Nếu các bạn ấy không gọi điện đến nói về việc mượn tiền thì mình không biết. Sau đó, mình nhờ mọi người thông báo để không ai bị lừa”, Ngân chia sẻ.

Trước những phương thức, thủ đoạn trên, người dân phải thận trọng để không mất tiền, tài sản nói chung. Khi nhận tin nhắn kiểu như nhờ vả, hay mượn tiền cần phải xác minh lại như L đã làm. Để tránh bị lừa đảo, cơ quan công an cảnh báo đến người dùng mạng xã hội, nhất là facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên facebook. Khi gặp các tình huống này, cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi hoặc bạn bè trong nhóm. Người dùng chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của facebook; tuyệt đối không đăng nhập vào các trang website nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Ngoài ra, người dùng nên cài đặt mật khẩu facebook có yếu tố bảo mật cao; hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường... không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ninh Chinh