Chợ Phan Thiết trước năm 1945
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:30, 15/09/2023
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Phan Thiết được hình thành từ năm 1697 khi đó là 1 trong 4 đạo thuộc phủ Bình Thuận. Với tiềm năng kinh tế biển, Phan Thiết đã dần dần thu hút nhiều lớp cư dân vào định cư (nhất là miền Trung). Đến thế kỷ XIX, mặc dù không phải là tỉnh lỵ của Bình Thuận nhưng Phan Thiết đã là một nơi đô hội; trên là cư dân trù mật, phố xá liền nhau, dưới thì thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập.
Ở đâu có dân thì ở đó mở chợ. Chợ thường được họp ở vị trí thuận tiện, nơi có đông người qua lại như: ngã ba đường, ngã ba sông, đầu làng... Theo tác giả Trương Quốc Minh, trước thế kỷ XX, Phan Thiết có 4 địa điểm đông người tập trung buôn bán. Lớn nhất là ngôi chợ gần đầu cầu Quan (nay là cầu Lê Hồng Phong) với trên 500 người lui tới, chợ chiều ở Long Khê, chợ Cô hồn ở Đức Thắng, chợ Đội Thiều ở Đức Long và các chợ “chồm hổm” dễ gặp ở nhiều nơi khác.
Chợ gần cầu Quan hình thành nhờ công lao rất lớn của nhân dân làng Đức Thắng và cá nhân cụ ông Trần Chất. Theo tư liệu từ tập sách Đức Thắng bất khuất – kiên cường (1930 - 1975). Vào ngày 16/9 năm Quý Mùi (1823), nhân lúc Tả quân Lê Văn Duyệt đi kinh lý ngang qua Phan Thiết. Vì thấy chợ Phan Thiết lúc bấy giờ nằm tại khu vực không thuận tiện cho việc đi lại giao dịch, mua bán của người dân. Do vậy dân làng Đức Thắng mới nhờ ông Trần Chất đội sớ đón đường để dâng lên bảng kiến nghị xin cho dời chợ (từ vị trí nay là đường Phan Bội Châu, phường Đức Nghĩa) về địa điểm mới nằm bên hữu ngạn sông Cà Ty gần chân cầu Quan để cho dân tiện việc đi lại, mua bán. Thấy có người dám vô lễ, ngang nhiên đón đường cản trở việc quân nên Lê Văn Duyệt hạch tội dân làng và chém đầu ông Trần Chất. Sau nghĩ lại, vì mưu cầu lợi ích cho toàn dân nên người Đức Thắng mới phạm thượng như vậy. Do đó, Tả quân đồng ý cho phép di dời khu chợ, để rồi từ đó phát triển thành một nơi sầm uất.
Theo dụ ngày 12/7/1899 của vua Thành Thái, Phan Thiết chính thức trở thành đô thị (centre urbain), là tỉnh lỵ của Bình Thuận. Trong tổng thể quy hoạch toàn thị xã, chợ Phan Thiết cũng được chính quyền lên kế hoạch nâng cấp nên chợ lại dời về vị trí như hiện nay. Năm 1903, quá trình xây lại chợ mới được hoàn thành chắc chắn hơn với mái đúc bằng. Ban đầu chợ do một viên người Anh làm chủ thầu thu, quản lý việc thu thuế.
… và một số hoạt động của thương nhân
Étienne Aymonier trên tập san Excursions et Connaissances de Cochinchine số (24-1885) cho biết: Ở Phan Thiết họp chợ ngày hai buổi; buổi sáng bên hữu ngạn sông Cà Ty quy mô lớn hơn buổi chiều (bên tả ngạn). Các quầy hàng trong chợ không chỉ bán đồ nội hóa mà có nhiều hàng ngoại nhập xuất xứ Trung Quốc và Âu châu. Ở đây thương nhân Hoa kiều có vai trò rất lớn, họ chi phối hầu như tất cả các hoạt động. Và tất nhiên độ giàu có phải nói là “nứt đố đổ vách”, thế lực thì rất mạnh chẳng khác gì những bang hội của người Hoa trong Nam kỳ. Năm 1883, những Hoa kiều Phan Thiết đã lên kế hoạch ám sát một viên người Pháp tên Granger. Nhưng vì sợ hậu quả nên những người đồng hương của họ ngoài Phố Hài ngăn cản.
Qua ghi chép của một số nhà văn, nhà báo đương thời cho thấy, ngoài bán cá mắm, vải lụa, dầu đèn, nhang trầm, vàng mã và nông sản địa phương như: trầu cau, cam, bưởi… ở đây còn bày bán nhiều đồ gốm sứ. Đó là “những ấm trà sứ trắng hay lam, những nồi niêu đất nung dùng để đun nước, vòi và tay cầm được nặn song song, đồ gốm sành mang một thứ màu đen tuyệt đẹp hoặc phớt vàng, kho báu cho những ai ưa chuộng vẻ xa hoa của loại bình hũ thô mộc, đồ trang sức bằng đồng và thủy tinh”.
Dưới tác động mạnh mẽ của phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX), ý thức xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và với quan niệm dân phú thì nước mới cường nên nhiều người Việt đã mạnh dạn đứng ra làm ăn lớn, vươn lên cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều và cả người Pháp. Trong giai đoạn này, ngoài các tiệm buôn của người Hoa, người Ấn nhiều cửa hiệu của người Việt mở ra dọc theo con phố chính của khu chợ. Điều đáng nói, không chỉ kinh doanh phát triển kinh tế, tiểu thương chợ Phan Thiết ít nhiều có tinh thần dân tộc. Ví như phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu vào năm 1925, nhất là phong trào để tang và truy điệu nhà ái quốc Phan Châu Trinh (người mà từ năm 1905 đã đến Phan Thiết truyền bá tư tưởng dân chủ, cải cách) tháng 3/1926. Theo đó, 54 hiệu buôn ở khu vực chợ Phan Thiết và trung tâm thị xã tự động đóng cửa để hưởng ứng; các cửa hàng thịt từ chối không mổ heo bán. Không những thế, các hàm hộ, hiệu buôn và đông đảo người dân Phan Thiết họp nhau góp tiền và cử người vào Sài Gòn dự lễ phúng điếu và đưa tang.
Từ những năm 1920 trở đi, báo chí tiếng Việt dần đi sâu vào đời sống nhân dân. Lúc bấy giờ nhiều vụ tăng thuế chợ vô tội vạ được người dân tố cáo lên các báo. Trong những năm 1929-1933, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nhưng phải oằn lưng gánh thuế khi nó tăng lên 2 lần. Báo Tiếng Dân (số 456, ra ngày 23/1/1932) cho biết ở chợ Phan Thiết 1 gánh cá giá chỉ đáng 3 đồng mà thuế phải đóng là 1,5 đồng, mỗi con gà, vịt đóng thuế 5 xu; hàng bông mỗi gánh giá chỉ 1-2 đồng phải trả thuế đến 2 - 3 cắc. “Mấy cái về chợ không chịu biên giá bạc nên chúng tôi nài, thì nó bảo sẽ nói với quan bỏ tù. Khổ vô cùng…!” - một người buôn cho biết. Còn những cuộc đánh người diễn ra thường xuyên, đơn cử là trường hợp sau đây: Hồi 10 giờ sáng ngày 18/8/1932, một phụ nữ tên Mị đi chợ mua 2 giạ nếp, vì còn phải mua thêm món khác nên tạm gửi số nếp đó cho một người quen đang ngồi bán trong chợ. Thấy vậy một nhân viên thu thuế - người Chà (da ngâm đen gốc Ấn Độ) đi đến đòi đóng thuế chỗ 2 giạ nếp đó. Hai người cự cãi, vì không thu được thuế nên tên Chà ra tay đánh cô Mị tàn nhẫn, cảnh sát trong chợ cũng hùa theo, rồi nắm cổ cô lôi về đồn. Bài báo còn cho biết: “Tấn tuồng này chẳng phải mới diễn lần đầu trên chợ Phan Thiết mà đã nhiều phen lắm rồi”.
Những vụ lộng quyền trên đây tuy có được phản ánh lên chính quyền, song có thể không được giải quyết đến nơi. Nhưng bước đầu cho thấy tiểu thương đã ý thức được những quyền lợi cơ bản của mình, lấy sức ép của dư luận báo chí làm vũ khí lợi hại để chống lại áp bức. Đó là tác dụng ít nhiều của các loại sách báo mang tư tưởng dân chủ tiến bộ được bày bán ở khu vực chợ Phan Thiết, trong đó có Hàn Lâm Commerçaint - đại lý duy nhất ở Bình Thuận phân phối sách của nhà in báo Tiếng Dân.
Trong phong trào đòi dân sinh dân chủ (1936-1939), tiểu thương chợ Phan Thiết cũng đấu tranh quyết liệt nhằm chống lại chính sách thuế của thực dân Pháp. Tiêu biểu là cuộc bãi thị kéo dài 3 ngày (từ rằm - 17 tháng giêng năm Đinh Sửu (24 - 26/2/1937). Kết quả, cuộc bãi thị giành được thắng lợi, chính quyền thực dân buộc tên chủ thầu thuế chợ Phạm Văn Ba giảm thuế xuống hơn 1 nửa và niêm yết công khai chung quanh chợ và các nơi đông người qua lại.
Tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Việt minh lâm thời tỉnh Bình Thuận, tiểu thương chợ lớn và thương gia trong thị xã nhiệt tình quyên góp, ủng hộ cách mạng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, tiểu thương chợ Phan Thiết được tự do kinh doanh, chung tay góp sức cùng nhân dân trong tỉnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quê hương.
Tạm kết
Trên đây là sơ lược một số dấu mốc về quá trình hình thành và một số hoạt động tiêu biểu của tiểu thương chợ Phan Thiết. Qua hơn 300 năm đồng hành cùng sự hình thành và phát triển của thành phố, chợ Phan Thiết được Nhà nước đầu tư xây lại; qua hơn 2 năm xây dựng (từ tháng 5/2013) công trình chợ mới Phan Thiết được hoàn thành và đưa vào sử dụng (tháng 8/2015). Với quy mô 1 trệt 1 lầu trên diện tích sử dụng 13.523m², được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt cho việc kinh doanh tiểu thương và nhu cầu mua sắm của người dân Phan Thiết và các huyện lân cận.
Mới đây, nhờ các tuyến đường cao tốc được vận hành, cộng với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận - Hội tụ xanh nên người dân các tỉnh về Phan Thiết rất đông. Và chợ Phan Thiết là một trong những địa chỉ không thể bỏ qua. Du khách đến đây không chỉ để được mua sắm, mà đến để cảm nhận hồn quê xứ biển và những giá trị lịch sử của quê hương Bình Thuận. Hay nói cách khác “chợ là sự lựa chọn để từ cái-một có thể hiểu được cái-toàn-thể” vậy.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
100 năm thị xã Phan Thiết. Thị ủy - HĐND-UBND-UBMTTQ thị xã Phan Thiết xuất bản (1998); Báo Tiếng Dân, các số: 456 (ngày 23/1/1932); 462 (20/2/1932); 518 (3/9/1932); Camille Paris. Du ký Trung kỳ theo đường cái quan. NXB Hồng Đức (2021); Đức Thắng bất khuất – kiên cường (1930-1975). Đảng bộ phường Đức Thắng. xuất bản (2000); Phan Thiết truyền thống đấu tranh cách mạng (tập I). Ban Thường vụ Thị ủy Phan Thiết xuất bản (1989); Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 3. NXB Thuận Hóa (2006); UBND tỉnh Bình Thuận. Địa chí Bình Thuận. Sở VHTT xuất bản (2006); Nhiều tác giả. Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn. NXB Thế giới (2017).