Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo dừng đàm phán gia nhập EU
Quốc tế - Ngày đăng : 20:55, 17/09/2023
Sau khi EU công bố một báo cáo khuyến nghị quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ nên tạm dừng trong hoàn cảnh hiện tại, Tổng thống Tayyip Erdogan đã ngay lập tức đáp trả bằng một tuyên bố vô cùng cứng rắn.
Phát biểu trước chuyến thăm Mỹ hôm qua (16/9), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Liên minh châu Âu đang tiến hành các bước đi tự xa cách với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này có thể chia tay với Liên minh châu Âu (EU) nếu thấy cần thiết:
“Liên minh Châu Âu đang nỗ lực cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn này khi EU đang có những động thái cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá của mình về những diễn biến này. Và sau những đánh giá này, chúng tôi có thể chia tay EU, nếu cần thiết”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chỉ ít ngày sau khi nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua một báo cáo nêu rõ, “khoảng cách ngày càng tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU về các giá trị và tiêu chuẩn”. Báo cáo được thông qua với 434 phiếu ủng hộ, 18 phiếu chống và 152 phiếu trắng, khuyến nghị nên tạm dừng việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi những vấn đề này và những vấn đề khác được giải quyết. Báo cáo của Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi khối này tìm kiếm một khuôn khổ thực tế hơn cho mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
EU hiện chưa có phản ứng sau tuyên bố mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những động thái trên của cả Thổ Nhĩ kỳ và EU cho thấy, mối quan hệ giữa hai bên đang đối mặt với sóng gió.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu năm 1987 và được công nhận là ứng cử viên vào năm 1999. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên bắt đầu vào năm 2005, nhưng đạt tiến độ rất chậm và không có cuộc đàm phán nào diễn ra kể từ năm 2016. Nghị viện châu Âu kể từ đó đã đưa ra một số báo cáo cảnh báo rằng Tổng thống Tayyip Erdogan có nguy cơ làm chệch hướng nỗ lực trở thành thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những tháng gần đây, nhiều nhà lãnh đạo EU như Thủ tướng Áo Karl Nehammer, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano đều tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể sớm được chấp nhận vào EU vì nhiều bất đồng giữa hai bên.
Không phải đến giờ mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU mới xuất hiện rạn nứt mà thực tế đã xuất hiện từ trước đó vì nhiều vấn đề, đặc biệt là việc các nước EU trong nhiều tháng gần đây thường xuyên từ chối đơn xin thị thực vào Khu vực tự do đi lại ở châu Âu của công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù giới chức EU khẳng định không phân biệt đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ song việc khối này đòi hỏi nhiều thủ tục cũng như sự chậm trễ trong việc cấp thị thực đã khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng gay gắt khi cho rằng, hành động của EU không đánh giá đúng tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một cường quốc và đối tác trong khu vực.
Theo đánh giá, nếu không được giải quyết, sự rạn nứt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai bên.