Thị trường không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ

Y tế - Ngày đăng : 06:25, 20/09/2023

Những ngày gần đây, số ca bị đau mắt đỏ ở Bình Thuận tăng khá nhanh. Theo đó, người tìm mua thuốc điều trị, dung dịch nhỏ mắt nước muối sinh lý tăng theo.
kham-mat-2.jpg
Khám mắt tại Trung tâm Y tế Phan Thiết.

Đảm bảo nguồn cung, giá ổn định

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Bình Thuận ghi nhận được 2.870 người bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong những ngày gần đây. Cụ thể, 732 ca ở Trung tâm Y tế Đức Linh, 551 ca Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, 491 ca ở Bệnh viện An Phước, 325 ca ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, 216 ca Trung tâm Y tế Tánh Linh. Số liệu này chưa thống kê đầy đủ, bởi vẫn có số lượng người mắc tự mua thuốc điều trị hoặc khám ở phòng mạch tư.

Qua số liệu trên cho thấy, số ca bị đau mắt đỏ ở Bình Thuận tăng nhanh. Trước sự gia tăng này, số lượng người tìm mua thuốc điều trị, dung dịch nhỏ mắt nước muối sinh lý cũng gia tăng theo ở các nhà thuốc, quầy thuốc ở Phan Thiết. Khi người dân hỏi mua sản phẩm điều trị dạng hàng nhập khẩu, một số nhà thuốc, quầy thuốc bán theo toa bác sĩ, tư vấn rất kỹ và khuyên dùng những sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, đâu đó cũng có nhà thuốc, quầy thuốc nói rằng: “Sản phẩm hàng ngoại như Tobradex thì cháy hàng rồi, muốn mua thì chờ vài ngày nữa!”, chứ không tư vấn, giải thích thêm.

Dược sĩ Lê Sĩ Hào - Phó phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Bình Thuận) cho biết: Thuốc nhỏ mắt của Việt Nam có khoảng 30 loại tương tự. Tất cả thuốc nhỏ mắt đều phải có đơn bác sĩ, trừ thuốc nhỏ mắt nước muối sinh lý NaCl. Những sản phẩm bác sĩ thường kê đơn cho bệnh nhân mắc bệnh đau mắc đỏ là Tobramycin, Tovidex, Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin… Riêng Tobradex là thuốc biệt dược gốc, nhập khẩu; khuyến cáo hạn chế sử dụng vì có corticoid. Các công ty và chi nhánh công ty cung ứng thuốc trên địa bàn đang đảm bảo nguồn cung cấp các loại thuốc và dung dịch sử dụng trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, với giá ổn định.

Chủ động phòng bệnh

Được biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh công tác giám sát.

Dược sĩ Hào khuyến cáo: "Khi mắc bệnh đau mắt đỏ, người dân nên đi khám để được hướng dẫn tư vấn, sử dụng đúng thuốc, kịp thời. Tùy từng trường hợp mắc phải, các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có chỉ định phù hợp tùy vào nguyên nhân và mức độ của bệnh...".

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp. Đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

TRANG MINH