Lấy ý kiến dự thảo báo cáo về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Pháp luật - Ngày đăng : 15:25, 21/09/2023
Các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tổng hợp, phân loại thành 24 nhóm lĩnh vực. Số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan rà soát là 455, gồm 61 luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu những bất cập liên quan đến đấu giá tài sản, đăng ký kinh doanh, gia hạn hoạt động của dự án đầu tư, sử dụng không gian ngầm, xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành trong rà soát; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật ban hành.
Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án tăng cường cán bộ pháp chế cho các địa phương; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương về xây dựng thể chế và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng thể chế.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, sát với thực tiễn vào dự thảo báo cáo. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý chi tiết, trực tiếp vào dự thảo báo cáo để Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Đối với những nội dung liên quan đến luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, các bộ, ngành lựa chọn đưa vào, còn những nội dung chưa có thì đề xuất điều chỉnh ngay trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tăng cường tuyên truyền, kịp thời thông tin những nội dung được sửa đổi, bổ sung để sớm đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong xã hội...