Khi mùa đánh bắt hải sản chỉ còn 4 tháng
Kinh tế - Ngày đăng : 10:31, 07/06/2019
Xin 1.000m2 làm kho lạnh
“Nếu Cảng cá Phan Thiết bố trí cho doanh nghiệp 1.000m2 để làm kho lạnh thì đã nâng doanh nghiệp lên một tầm cao mới” – Đại diện Công ty TNHH Mười Tuyền đã nói như thế tại hội nghị “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” vừa mới tổ chức. Không khó để hiểu tầm cao mới ấy, vì như chia sẻ của doanh nghiệp, lâu nay đơn vị có trụ sở, kho lạnh tại Cảng cá Phan Thiết nhưng vì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh ngày một mở rộng nên phải thuê kho lạnh cấp đông hải sản ở 5 chỗ cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài chi phí chính thức lưu kho, việc vận chuyển sản phẩm từ các kho lạnh này về kho chính cũng làm tăng thêm chi phí rất lớn, trở ngại đường xa, ách tắc nhân công. Đó là chưa tính đến việc di dời, vận chuyển qua lại, ra vô kho lạnh khiến sản phẩm bị sốc nhiệt có thể không bảo đảm chất lượng ban đầu đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, các đối tác cần khoảng 3.000 tấn hải sản các loại/năm nhưng hiện tại công ty chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 -2.000 tấn/năm. Như tại hệ thống Co.op, doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 20 - 30% sản lượng đã đặt hàng. Chung quy chỉ vì thiếu kho lạnh tại cảng, trong khi việc đánh bắt hải sản trên biển đã nhiều năm nay luôn thất thường.
Hải sản chuyển vào Cảng cá Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Mười Tuyền, đã theo nghề thu mua hải sản nhiều năm nay, bà cảm nhận biển ngày càng thất bát, thất thường. Có mùa khan hiếm hải sản nhưng cũng có mùa rất nhiều.Theo quan sát của bà, cả năm như thế, hầu như ngày nào, ngư dân cũng đánh bắt trên biển nhưng sự thật chỉ có 4 tháng có nhiều hải sản nhất là từ tháng 7 đến tháng 10. Có thể hiểu, trước thời gian này, từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm là thời gian mà Bình Thuận cấm tàu giã cào hoạt động trên vùng biển để các loài hải sản sinh trưởng. Nhờ vậy, thời gian sau đó mới có 4 tháng nhiều hải sản. Vào những tháng này, với hiện trạng kho lạnh rải rác như thế, doanh nghiệp không thể mua được nhiều hải sản để cấp đông. Sau hơn 2 năm hoạt động theo hướng thuê kho rải rác trên, công ty nhận ra thật khó hoạt động tốt nếu tiếp tục theo hướng ấy. “May mắn, trong thời gian này Cảng cá Phan Thiết có kế hoạch mở rộng cảng nên công ty rất cần các ngành chức năng quan tâm bố trí 1.000m2 đất để xây kho lạnh trữ hải sản cấp đông, giúp doanh nghiệp lớn lên”- Bà Tuyền nói.
Bảo vệ biển bằng hành động
Câu chuyện đề nghị được thuê mặt bằng khẩn thiết của Công ty TNHH Mười Tuyền tại Cảng cá Phan Thiết để làm kho lạnh, khắc phục vấn nạn biển cho lộc không đều rơi vào thời điểm hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam khiến ai biết cũng phải suy ngẫm. Biển Bình Thuận đã không còn “biển bạc” như trước, nghề đánh bắt hải sản cũng không còn dễ dàng như trước, đó là lý do hàng loạt lao động biển đã di cư lên bờ. Bên cạnh đó, là bao vấn nạn phải giải quyết liên quan đến biển như giã cào bay làm cạn kiệt môi trường sinh thái biển, xả thải chưa qua xử lý ra biển, rác thải đẩy ra biển, biển xâm thực…
Đó là thực trạng không chỉ ở Bình Thuận. Vì thế, đầu tháng 6 này Chính phủ đã gộp 2 sự kiện tổ chức cùng một thời điểm, đó là Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Môi trường. Đồng thời nhấn mạnh những tỉnh có biển cần có giải pháp phát triển kinh tế biển. Hưởng ứng tuần lễ này, tại tỉnh đã tổ chức các chuỗi sự kiện nhằm thu hút cộng đồng tham gia như mít-tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, tuyên truyền phát triển lợi thế kinh tế biển, đảo của từng địa phương, trồng cây tại các khu du lịch, sinh thái ven biển huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, triển lãm tranh ảnh đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi về biển... Điều mà ai cũng cảm nhận sẽ tạo ra đích cuối cùng là làm sao để biển Bình Thuận nhiều hải sản như trước, có quanh năm chứ không chỉ gom về 4 tháng trong năm như doanh nghiệp đã cảm nhận. Và công việc để điều ấy thành hiện thực vẫn là tiếp tục giải trừ nạn giã cào bay.
Hảo Chi