Chỉ tại chồng quá tốt

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 22/09/2023

Mỗi lần có ai gặp chị lại xuýt xoa: công nhận chồng chị/em/con giỏi thiệt, gì cũng biết làm mà còn vui tính, cười suốt. Mỗi lần như vậy chị lại cười cho qua chuyện, chẳng biết nên nói gì, chẳng biết nên tự hào hay không. Thường người ta khen ai chẳng vui, có điều mỗi lần chị nghe ai khen chồng tự dưng lại buồn vô hạn, bởi “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”…

Chị làm vợ anh ngót nghét gần mười năm trời, có với nhau hai mặt con, gái trai đủ cả. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ gia đình chị hạnh phúc lắm, đâu biết chị khổ tâm vì anh không biết bao nhiêu lần. Anh chẳng có tật gì xấu, chỉ có điều anh tốt quá, nhiệt tình với người ngoài quá thành ra thời gian cho gia đình chẳng còn lại bao nhiêu, dồn hết lên vai chị. Hai đứa con từ khi sinh tới khi lớn, một tay chị lo, lâu lâu anh về sớm ôm con hun hít chút đỉnh rồi thôi. Con bệnh đau, con học hành, tắm rửa, ăn uống… đều một tay chị. Nhiều khi nhìn thấy chồng người ta đưa đón con đi học thêm mà chị tủi thân trào nước mắt. Con gái lớn đi học thêm, chị phải đèo đứa nhỏ đi theo, ra công viên chờ đợi, tranh thủ kèm cho đứa nhỏ học bài, chở con học thêm về lại phải kèm đứa lớn học. Có hôm đi làm về chưa kịp nấu ăn đã phải chở con đi học cho kịp giờ. Anh thì chẳng biết rong chơi ở đâu, khi thì tiếp khách, khi thì thăm bệnh, lúc lại giúp người này làm việc này, giúp người kia làm việc nọ… Ngày nào anh về tới nhà cũng khuya lắc khi hai con đã ngủ rồi.

4_252.jpg

Hai ngày cuối tuần, ba nhà người ta chở con cái đi chơi hay chở vợ con đi ăn quán để giải stress, còn anh bận đi đám giỗ, không thì đi giúp ông chú nào đó làm nhà, giúp thằng em họ nào đấy mua máy tính… Nói chung anh có đủ công đủ việc để đi. Hễ sáng ra là đã có người réo gọi nhờ cái này cái nọ và anh vui vẻ nhận lời đi ngay. Anh chẳng quan tâm nhà cửa ai dọn dẹp, chẳng quan tâm con cái buồn hay vui, chẳng quan tâm cái bếp ga đã hư mất đánh lửa hay cái vòi nhà tắm cứ rỉ nước hoài. Chị lại lui cui tra google cách sửa, khi nào sửa hoài chẳng được thì gọi thợ. Lỡ có ai thấy chị gọi thợ sửa thì lại phải chống chế do tôi muốn gọi thợ làm cho lẹ chứ đợi ổng về thì lâu quá. Mà thiệt, nhờ anh thì anh hẹn lần hẹn lữa cho đến khi chị phát bực lên phải tự làm. Từ đó chị rút kinh nghiệm cứ kiếm nhiều tiền gọi thợ cho nhanh còn hơn nhờ chồng.

Thành ra hễ con cái cần gì toàn “mẹ ơi, mẹ à giúp con với” chẳng bao giờ gọi ba. Biểu tụi nó sao không nhờ ba cả hai đứa lắc đầu nguầy nguậy “thôi khỏi, đợi ba biết khi nào”. Chị đã thử vài lần ngồi nói chuyện với anh, giải thích cho anh hiểu gia đình này cũng cần bàn tay một người đàn ông, cũng có những việc chỉ đàn ông mới làm được nhưng lần nào cũng vậy anh cứ gạt phắt đi: Có gì đâu mà khó, em cứ thích làm quá lên thôi. Chị bật khóc ngẫm nghĩ lại, tìm ra nguyên nhân tại sao anh như vậy. Rồi chị nhận ra chị đã quá khờ dại, việc gì cũng ôm đồm làm một mình, việc gì cũng tự tay giải quyết hết khiến cho anh có tâm lí ỷ lại vợ, rằng vợ làm tốt rồi chẳng cần mình nữa. Chị đã sai khi quá bảo bọc chồng con, khi nhận mọi thiệt thòi về phần mình.

Thế là chị quyết tâm thay đổi. Đầu tiên là phải biết yêu bản thân mình, mình không yêu mình đừng cầu mong ai yêu mình. Chị chăm sóc bản thân nhiều hơn, đi chăm da, thay đổi kiểu tóc, cách ăn mặc. Trông chị ngày càng trẻ trung. Anh đâm ghen tuông hễ chị bước chân ra khỏi nhà là tra hỏi đi đâu. Chị không giấu giếm công khai cho anh biết quyết tâm thay đổi của mình. Chị giải thích cho anh biết ai cũng có quyền sống theo ý thích của mình nhưng ai cũng phải có trách nhiệm với gia đình. Chồng có trách nhiệm của chồng. Vợ có trách nhiệm của vợ. Anh có quyền đi chơi nhưng cũng phải có trách nhiệm với con cái. Chị phân công anh đưa đón con bớt, chia sẻ bớt việc nhà và thỏa thuận anh phải phân chia thời gian đưa con đi chơi một tháng hai lần để con được giải trí.

Ban đầu anh giãy nảy không đồng ý. Chị đòi ly hôn. Nếu ai cũng muốn sống theo ý thích thì cứ ly hôn cho rồi, không thể sống chung mà vô trách nhiệm được. Anh làm ầm ĩ ghen tuông, chị vẫn nhất quyết khẳng định ly hôn vì không hợp, không phải vì chuyện gái trai. Thấy chị cương quyết quá, anh đành chịu nhịn. Anh phải tuân theo yêu cầu của chị, đưa đón con đi học, lâu lâu đưa con đi chơi. Thấy anh nhượng bộ, chị được nước nỉ non rỉ vào tai anh những lời khen có cánh, tôn anh lên làm trụ cột của gia đình. Xuôi tai, anh dần cắt giảm bớt thời gian chơi bời, giúp việc thiên hạ bên ngoài mà chăm chút cho gia đình hơn.

Bây giờ mỗi lần nhìn anh tất bật đưa đón con đi học chị lại cười thầm, nhờ mình cao tay mà mới rảnh rang bớt không thì vẫn còn đầu bù tóc rối một mình lo con cái rồi.

Mỹ Trúc