Đọc sách phải là thói quen thường nhật

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 07:12, 25/09/2023

Sách là nguồn kiến thức bất tận của nhân loại và có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người. Mỗi cuốn sách lại là những chủ đề, lĩnh vực khác nhau nhưng đều với mục đích hướng tới cho người đọc những tri thức mới, giá trị nhân loại. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, sự xuất hiện của mạng xã hội, công nghệ thông tin đã khiến độc giả, nhất là giới trẻ không còn hứng thú với việc đọc sách.
2023.-hs-tim-sach.jpg
Những chuyến xe "Thư viên lưu động" của Thư viện tỉnh đến các trường học trong năm học 2022 - 2023

Còn nhớ trong tháng 4/2023, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Hồ Chí Minh) đã thay đổi hình thức phạt học sinh. Theo đó, khi phạm lỗi, thay vì viết bản kiểm điểm, lao động công ích, học sinh vi phạm sẽ phải đọc một cuốn sách trong tủ sách mà nhà trường đưa ra và viết cảm nhận. Hình thức xử phạt này được dư luận thời điểm đó quan tâm.

hs-doc-sach.jpg
Đọc sách thường xuyên và phù hợp lứa tuổi giúp học sinh khai mở trí thức

Những học sinh nằm trong diện “đọc sách viết cảm nhận” là những em vi phạm nhiều lỗi về nội quy, quy định của nhà trường và cần một hình phạt cụ thể để các em có thể “thấm” và sửa lỗi. Ngồi yên đọc sách 45 phút và có thời gian 2 ngày để hoàn thành và nộp những bài cảm nhận cho nhà trường. Những hình phạt, chung quy vẫn là để cho học sinh nhận thức được hành vi không đúng của mình, từ đó thay đổi theo hướng tích cực. Và kết quả là ngay cả những học sinh bị phạt đều thấy hứng thú với cách làm mới này. Cũng từ đó, các em biết được trường có nhiều cuốn sách hay, làm dày thêm vốn kiến thức và đang dần hình thành thói quen làm bạn với sách.

img_3377.jpg
Học sinh đọc sách tại Thư viện xanh của trường

Khi mà chương trình học ngày một nhiều phân môn và sau giờ học, buông sách giáo khoa ra, học sinh lại cuốn vào màn hình máy tính, game, trò chơi giải trí… thì có lẽ cải thiện văn hóa đọc vẫn là một hành trình gian nan. Theo khảo sát của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), trung bình mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 2,8 cuốn sách, 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8 - 10% dân số. Những số liệu thống kê trên cho thấy, thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Chúng ta vẫn chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách phù hợp mà chủ yếu đọc theo ngẫu hứng.

Hàng năm, cứ đến “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” (21/4), chúng ta lại thấy ở các địa phương, trường học phát động, tổ chức rầm rộ các chương trình, triển lãm sách. Những hoạt động ấy đã phần nào nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Nhưng để xây dựng được tình yêu sách thì thói quen đọc còn phải được duy trì hàng ngày, thường xuyên.

Năm học mới đã qua 1 tháng, mong rằng thư viện xanh tại các trường học sẽ nhanh chóng được khởi động trở lại và có các tiết khuyến khích việc đọc cho học sinh. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện trường học để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo. Ngoài ra, nhà trường nên tổ chức các hoạt động khuyến đọc như giới thiệu sách, thi kể chuyện theo sách, kể chuyện theo chủ đề, trình bày sản phẩm viết, vẽ theo sách, phát thưởng cho học sinh đọc được nhiều cuốn sách…

Dù xã hội có phát triển đến đâu, các phương thức lưu giữ thông tin khác có thể phát triển nhưng việc lưu giữ sách và hiểu được tầm quan trọng của sách sẽ giúp cho xã hội ngày càng văn minh. Chính vì vậy, mỗi ngày cần cố gắng rèn luyện, giải trí bằng việc đọc sách để cuộc sống trở nên thú vị hơn.  

Thùy Linh