Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững”. Bài 2
Xã hội - Ngày đăng : 14:34, 26/09/2023
Chuyển đổi hy vọng
Một thời gian sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo mở ra thì trên địa bàn TP. Phan Thiết cũng bắt đầu xuất hiện vài trạm sạc điện, đánh dấu giao thông xanh đã hiện diện.
Theo những người quan tâm đến ô tô điện, chủ nhân những chiếc xe điện chạy trong TP. Phan Thiết, chủ yếu là khách du lịch từ các nơi khác tới, tại chỗ chỉ mới có dăm ba chiếc. Họ mua sản phẩm từ Vinfast và hãng xe này tích hợp trong hệ thống những vị trí sạc xe ở các tỉnh, thành cho khách hàng. Tại thành phố du lịch Phan Thiết cũng thế nên được thiết lập các trạm sạc xe điện ở những vị trí thuận lợi trên các tuyến đường ra vùng du lịch nổi tiếng Hàm Tiến – Mũi Né như tại trạm dừng chân ở Lầu ông Hoàng, trên đường Châu Văn Liêm…
Trước đó, vào tháng 6/2023, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cácbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Cụ thể, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trên đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải và giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh với những chỉ tiêu rõ ràng trong 2 giai đoạn, từ nay đến 2030 và đến 2050.
Giao thông xanh thì mới nhưng cũng là đi sau nhiều hoạt động khác, cụ thể trên 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, vốn từ mấy năm trước đã được chú ý và hai năm rưỡi qua đã dịch chuyển sang xanh nhiều hơn hoặc đầu tư xanh. Như du lịch, với đặc thù vùng ven biển ở tỉnh là những cồn bãi đối mặt với hoang hóa nên theo thời gian, thêm các cơ sở du lịch xuất hiện thì cũng đồng nghĩa thêm mảng xanh, làm phong phú hơn cảnh sắc. Đến nay đã có 64 cơ sở được xếp các hạng sao với 5.674 phòng, trong đó 5 sao với 4 cơ sở có 960 phòng, 4 sao có 26 cơ sở với 2.920 phòng... Bên cạnh là loại hình khách sạn với 7.237 phòng, nhà nghỉ với 3.248 phòng… và nhiều căn hộ, biệt thự cho thuê đều cạnh tranh nhau yếu tố xanh mát để thu hút khách. Đó là nền tảng ban đầu góp phần hình thành Trung tâm du lịch quốc gia Mũi Né sắp tới cùng các “vệ tinh” xanh khác đang bảo tồn, xây dựng, như Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Khu bảo tồn biển Phú Quý hay rừng ngập mặn giữa lòng TP.Phan Thiết…
Tương tự, bên nông nghiệp cũng thế. Ở vùng đất khan hiếm nước, người dân trăn trở, tính toán nhiều hơn để làm sao cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật được đẩy nhanh hơn, bất chấp giá cả nông sản có bấp bênh như nửa đầu nhiệm kỳ này. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh thanh long chất lượng cao, vùng lúa chất lượng cao và thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch được hơn 10.000 ha lúa. Bên cạnh có 26.062 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; có 10 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;có nhiều mô hình sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao như rau, dưa lưới…
Trong khi đó, bên công nghiệp mà nổi bật là năng lượng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã chuyển dịch theo hướng tích cực của sự hình thành trung tâm năng lượng quốc gia tại tỉnh. Cụ thể, thêm 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo nữa với tổng công suất 362,6 MW đi vào hoạt động, nâng số nhà máy điện trên toàn tỉnh đang vận hành lên 47 với tổng công suất 6.523,21 MW. Cũng trong thời gian trên, có các dự án lớn khác được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư như 2 nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II với tổng công suất 14.500 MW… Từ đây, nhìn về tương lai không xa, khi các dự án này đi vào hoạt động thì công suất của năng lượng sạch, xanh sẽ chiếm ưu thế, bất chấp Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có còn hoạt động hay bị thay thế sau năm 2030.
Mở rộng không gian phát triển
Ngay thời điểm đầu nhiệm kỳ, Bình Thuận tiếp tục tham gia, kiến nghị liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tập trung vào quặng titan, nên đã góp phần đưa Quyết định 51/2021 của Thủ tướng Chính phủ ra đời. Vì tại quyết định này, quặng titan có tổng diện tích 1.140 km2, với tổng tài nguyên 421.519 ngàn tấn thì 92% trong số đó tập trung tại Bình Thuận. Chính Quyết định 51/2021 đã khắc phục những trở ngại, khó khăn, bất cập mà trước đó tại Quyết định số 645/QĐ-TTg gặp phải. Hơn thế, đó còn là cơ sở để quản lý khoáng sản cũng như triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh.
Ở diễn biến tiếp theo, tại Công văn số 3085/UBND-KT ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Bình Thuận cơ bản thống nhất dự thảo hồ sơ trình phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Công văn số 4918/BTNMT-ĐCKS ngày 23/8/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó tổng diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi dự trữ của tỉnh là 28.200 ha. Sang giữa năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận có đề xuất điều chỉnh diện tích trên lên 38.830 ha, tức thêm 10.630 ha nữa. Vì nhiều lý do nhưng lý do chính như trình bày trong công văn: “Tỉnh cần thêm không gian để phát triển và thu hút các dự án có quy mô rất lớn (cấp công trình đặc biệt, cấp 1, với thời gian sử dụng đất lâu dài hoặc hoặc theo vòng đời dự án) ở vùng ven biển, có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, để tạo thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, nhưng phần lớn các khu vực ven biển của tỉnh đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia…”.
Tờ trình số 75 về việc trình phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường lên Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2023, trong đó các bộ chuyên ngành liên quan có đồng ý, có chưa đồng ý với kiến nghị điều chỉnh trên của Bình Thuận. Tuy nhiên, dù thế nào, với 28.200 ha đã chắc chắn được đưa ra ngoài khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là đã mở rộng không gian phát triển kinh tế của tỉnh và cũng là mở rộng nền kinh tế xanh, khi nơi đây hiện đã có những dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời, vốn thân thiện với môi trường.
Đó cũng là cơ hội để việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 28/12/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025, tốt hơn. Và sẽ là rất thuận lợi, khi đặt trong bối cảnh đã đạt “nhất cự ly” từ sự mở ra của tuyến cao tốc dài 200 km và sân bay Phan Thiết đưa vào sử dụng cuối năm 2024. Thêm nữa, kết quả tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 2 năm (2021 - 2022) qua, đạt 76.853,2 tỷ đồng, tăng bình quân 14,02%/năm, trong đó vốn Nhà nước 17.567,4 tỷ đồng, chiếm 22,36%; vốn ngoài Nhà nước 55.222 tỷ đồng chiếm 71,85%; còn lại là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.063,8 tỷ đồng đã ít nhiều cho thấy điều đó. Điều đáng nói, kết quả có được này cũng diễn ra trong thời gian mà cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá các chỉ số năm 2022 ở trạng thái không khả quan gì so năm 2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu. Cụ thể, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 60/63, giảm 5 bậc; chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước(SIPAS)xếp thứ 63/63; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 07/63, cải thiện 46 bậc; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 42/63, giảm 9 bậc so năm 2020.
Qua đó, cho thấy sức hút từ tiềm năng của Bình Thuận rất lớn nhưng sức ì của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, công viên chức trong thực thi công vụ đã kiềm hãm sự phát triển. Làm sao tháo gỡ điểm nghẽn từ cán bộ này, để bảo đảm yếu tố Nhanh?
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh rất nhiều về nội dung xanh như năng lượng xanh, du lịch xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, bất động sản xanh...Thực hiện nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã kêu gọi thu hút đầu tư, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, trang thiết bị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải hướng đến nền kinh tế xanh. Theo kết quả đánh giá, hiện trên địa bàn tỉnh có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh mới đều áp dụng công nghệ sạch...
Bài 1: Thời điểm rõ ràng được - mất
Bài 3: “Vắc xin” An tâm từ Kết luận 14
Bài 4: Phải đan cài "nhanh" trong "xanh, bền vững"