Mạo danh người quen nhắn tin qua điện thoại mượn tiền

Pháp luật - Ngày đăng : 05:28, 28/09/2023

Chuyện người thân, quen nhắn tin điện thoại (zalo) trao đổi mượn tiền và chuyển khoản qua banking là khá bình thường với nhiều người. Tuy nhiên gần đây một số kẻ xấu bằng nhiều thủ đoạn công nghệ đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó mạo danh người quen mượn tiền khiến nhiều người tưởng thật nên chuyển khoản và sau đó bị… mất trắng.

Chị Thanh Thảo quê gốc ở Bình Thuận đang công tác ở một công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh vừa điện thoại dặn tôi là không được chuyển tiền cho chị khi không phải số tài khoản đứng tên chị. Nguyên nhân là chị mới bị bọn xấu hack Facebook sau đó lấy được tên zalo rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè của chị vay tiền. Chị Thảo vốn có công ty riêng nên đối tác và bạn bè làm ăn khá nhiều. Do có thói quen bạn bè của chị thường khi kẹt tiền chỉ cần nhắn tin hỏi mượn tạm từ 50 - 200 triệu đồng là bình thường.

be30df27cae7c2d707f2ac261b56c512.jpg

Tuy vậy, mới đây có người mạo danh người quen nhờ chị bình chọn cho con ở một cuộc thi trong chương trình truyền hình. Tưởng thật chị đã vào đường link (ảo, do bọn xấu lập nên nhưng cuộc thi là có thật) hướng dẫn nhưng sau đó là tài khoản Facebook bị hack, rồi không biết bằng cách nào tên zalo cũng bị bọn xấu biết được và nhắn tin cho người quen.

Chị Thảo kể: “Chỉ trong vòng 5 phút kẻ xấu đã lấy danh nghĩa của tôi nhắn tin và mượn được 3 người quen số tiền hơn 100 triệu đồng. Khi người quen thứ 4 bị nhắn tin hỏi mượn số tiền lớn nên điện thoại hỏi lại tôi vì thấy số tài khoản ngân hàng bọn xấu gửi qua khác với tài khoản tôi thường giao dịch. Cùng lúc 3 người quen liên tiếp điện thoại cho tôi hỏi đã nhận được tiền chưa, tôi “tá hỏa” nói không biết gì. Ngay sau đó tôi và người quen điện thoại cho ngân hàng M. nơi kẻ xấu mở tài khoản trình bày sự việc, đề nghị khoanh vùng giao dịch. Ngân hàng xác minh là số tài khoản nhận tiền đang còn 70 triệu đồng, nhưng do tôi và người quen không phải chủ tài khoản nên phải làm đơn gửi cơ quan chức năng và khi có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì ngân hàng mới ngừng giao dịch tài khoản đã nhận tiền của người quen tôi đã gửi vào… Trong khi tôi làm đơn gửi cơ quan chức năng thì tài khoản của kẻ xấu đã chuyển hết tiền, vậy là mất trắng”…

Ngoài chị Thảo, mới đây một trưởng phòng làm ở khối pháp luật của tỉnh cũng bị kẻ xấu mạo danh mượn tiền. Theo đó anh T. có người anh thân quen tên K. vẫn thường giao dịch chuyển khoản hỗ trợ với nhau khi cần. Ngày 25/9, sau khi kẻ xấu mạo danh K. nhắn tin với anh T. và sau đó là mượn 3 triệu đồng. Anh T. ban đầu chưa hay biết là kẻ xấu đang mượn danh anh K. nhắn tin với mình nên cũng nhắn tin bình thường và đồng ý cho mượn tiền. Thế nhưng khi kẻ xấu gửi số tài khoản qua thì anh T. ngờ ngợ nên điện thoại cho anh K. xác minh lại thì không phải anh K. đang nhắn tin và mượn tiền anh T.

Với trường hợp anh T. phát hiện sớm nên không bị mất tiền còn với những người quen của chị Thảo do chủ quan nên mất cảnh giác xác minh trước rồi chuyển tiền, nhất là khi thấy số tài khoản lạ. Lưu ý là đối tượng xấu ít sử dụng tài khoản của các ngân hàng có yếu tố Nhà nước, đa phần lấy số tài khoản của ngân hàng tư nhân để khi bị phát hiện dễ “tẩu tán” tiền chuyển đến tài khoản hơn. Mới đây, một người quen của tôi cũng bị lừa đảo như các trường hợp trên nhưng tinh vi hơn là bọn xấu gọi luôn zalo gắn hình người quen vào để đối phương tin tưởng hơn…

Tình trạng mượn danh người quen để lừa đảo vay tiền đang xảy ra ngày càng nhiều. Một số ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Vietinbank… vẫn thường nhắn tin cho khách hàng đề nghị nâng cao cảnh giác với kẻ xấu mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc người quen ngân hàng để lấy thông tin cá nhân đồng thời yêu cầu giao dịch chuyển khoản… Vì vậy, người dân cần thận trọng trong giao dịch cho mượn tiền bằng chuyển khoản, tốt nhất trước khi chuyển tiền cần xác minh nhiều bước để biết chắc chắn là người thân, quen rồi hãy chuyển tiền…

                                                           

Phúc Thắng