Vùng cao “hiếm” chợ

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:44, 29/09/2023

Chợ, nơi trao đổi hàng hóa là một trong những tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng ở các xã vùng cao rất “hiếm” chợ.
20230718_073701.jpg
Người dân mua hàng hóa từ xe lưu động.

Địa hình Bình Thuận có miền núi và đồng bằng ven biển. Vùng núi hay còn gọi là vùng cao chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, còn ở vùng đồng bằng ven biển có đủ thành phần dân tộc cư ngụ tại nhiều phường, xã. Với vùng đồng bằng thì giao thông đi lại thuận tiện và tập trung đông dân cư. Ở vùng cao có đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, đất rộng người thưa nên không có nhiều chợ cũng như các trung tâm thương mại trao đổi hàng hóa.

20210420_070832.jpg
Một gian hàng ở chợ Đông Tiến.

Điển hình là vùng cao của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc với các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Dũng, Mỹ Thạnh, Đông Tiến, La Dạ, Đông Giang… Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu đi rừng, làm rẫy, chăn nuôi gia súc. Sản phẩm làm ra bán cho thương lái và các trung tâm dịch vụ miền núi đến tận nơi thu mua hoặc nhận trực tiếp từ người mang đến bán. Ngoài ra người dân mua bán qua những xe hàng lưu động hoặc cửa hàng tạp hóa.

Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hình thành 2 chợ ở Đa Mi và Đông Tiến, còn lại hầu hết chưa có chợ. Ông Xi Miên – Chủ tịch UBND xã La Dạ, một trong những xã chưa có chợ cho biết: Theo Chương trình mục tiêu quốc gia, để đạt chuẩn xã nông thôn mới là phải hội đủ các tiêu chí gồm điện, đường, trường, trạm, chợ khang trang hiện đại, người dân có cuộc sống khấm khá… Nhưng La Dạ còn thiếu nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 7 là chợ. “Hiện nay trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của huyện sẽ thành lập chợ trên đất trụ sở công an xã. Trụ sở UBND xã chuyển qua địa điểm khác, nhường chỗ cho công an xã hoạt động… Cho đến nay còn vướng nhiều khâu liên quan đất đai nên huyện chưa triển khai xây chợ”, ông Xi Miên nói thêm.

img_4750.jpg
Phần lớn các xã vùng cao chưa có chợ.

Với xã Đông Giang gần La Dạ cũng đang tìm cách về đích nông thôn mới. Hiện xã đã có quỹ đất xây dựng chợ, nhưng đang chờ chủ trương của cấp trên. Bởi Đông Giang hiện không còn xa lạ với người dân từ mọi miền Tổ quốc nói chung, Bình Thuận nói riêng kể từ khi Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận hình thành. Đây cũng là một trong những yếu tố cân nhắc khi xây chợ ở khu vực này. Ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Trong kế hoạch của huyện sẽ xây dựng chợ ở Đông Giang và La Dạ, nhưng hiện nay huyện đang cân nhắc… Có thể sẽ xây dựng Trung tâm thương mại ở xã Đông Giang thay vì chợ để cho các xã tập trung về đây giới thiệu các sản phẩm... Điều này phù hợp với bối cảnh Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đang thu hút nhiều du khách. Không xây dựng chợ dàn trải, mà tập trung đầu tư vào hạ tầng đường sá để vận chuyển nông sản thuận tiện, nhất là La Dạ hạ tầng giao thông còn rất khó khăn”.

Tương tự ở các xã khác có dân số ít, sống không tập trung, đều mang nặng tính chất tự cung, tự cấp. Mỗi hộ gia đình đều sản xuất tự đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Họ làm ra tất cả, tự chăn nuôi, trồng trọt nên nhu cầu và khả năng buôn bán hàng hóa không lớn (ngoài nhu cầu mua một số hàng thiết yếu như xăng dầu, quần áo, muối...). Do đó, người dân không có nhu cầu đi chợ thường xuyên, việc xây chợ cũng phải tính toán cho phù hợp. Chính vì vậy ở vùng cao rất hiếm chợ, khó đạt tiêu chí về đích nông thôn mới. Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục nghiên cứu tính đặc thù của vùng cao để phát triển mạng lưới chợ phù hợp với nhu cầu. Tuy vậy, cũng tránh tình trạng chợ xây ra nhưng không có người họp như một số chợ ở vùng đồng bằng; hoặc có chợ xây ra không sử dụng hết công năng sẽ gây lãng phí.

Ninh Chinh