Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Tăng nguồn lực kế cận cho Đảng: Nâng dần chất lượng. Bài 1

Chính trị - Ngày đăng : 14:02, 25/09/2023

Bài 1: Đi tìm “hạt giống đỏ”

Trong những năm gần đây, phát triển đảng viên mới, bổ sung thêm nguồn lực kế cận cho Đảng ở Bình Thuận luôn được các tổ chức cơ sở Đảng quan tâm. Công tác này đang được nâng dần chất lượng...

screenshot_1695625455.png

Kết nạp đảng ở lực lượng dân quân tự vệ.

Phát triển đảng viên mới

Phát triển đảng viên là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài vì thế đòi hỏi sự quyết tâm cao từ các chi bộ cơ sở đảng. Làm sao để phù hợp với đặc thù của từng cơ sở đảng và hiệu quả để thu hút quần chúng ưu tú vào Đảng. Đây là vấn đề luôn được các chi bộ chú trọng. Phát triển đảng viên mới còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm tăng thêm nguồn lực cho Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tăng cường rà soát công tác kết nạp đảng viên mới nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác này luôn bảo đảm chất lượng, cơ cấu đảng viên trẻ, có trình độ học vấn đại học, đảng viên nữ, người có đạo, có trình độ nghiệp vụ lý luận chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra chỉ tiêu phát triển đảng viên: “Bình quân hàng năm phát triển 2.000 đảng viên”. Hàng năm tỷ lệ kết nạp đảng viên mới của Bình Thuận đạt từ 5% trở lên trên tổng số đảng viên, đứng thứ 3/67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương và cao hơn so với Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu “Tỷ lệ kết đảng viên hàng năm đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên”.

Để đạt được điều trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1/3/2021 về tăng cường công tác phát triển đảng viên mới nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh thực hiện công tác phát triển đảng viên. Bên cạnh đó, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy có giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho các đảng bộ trực thuộc tỉnh. Việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hàng năm cho các tổ chức đảng cơ sở hết sức quan trọng, để từ đó cấp ủy và mỗi đảng viên tích cực, chủ động, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới tăng cường nguồn lực cho Đảng. Luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác rà soát nguồn phát triển đảng viên lựa chọn quần chúng ưu tú xem như tìm các “hạt giống đỏ” để bồi dưỡng kết nạp Đảng và phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 4.909 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ từ 38.302 (năm 2020) lên 41.956 đảng viên (tháng 6/2023). Điều ghi nhận là trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là đoàn viên, thanh niên tăng lên đã góp phần làm tăng thêm nguồn nhân lực trẻ cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Bên cạnh đó, nguồn từ đoàn viên công đoàn giới thiệu cho đảng theo Liên đoàn lao động Bình Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay: đã giới thiệu 2.340 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp. Trong đó đã kết nạp vào Đảng là 1.452 người…

Theo nhạc sĩ, nhà báo Huy Sô, ông hiện đã 97 tuổi, có 78 năm tuổi Đảng, ông vào Đảng khi ấy còn rất trẻ 20 tuổi, ông cho biết: "Chất lượng để tạo nguồn kết nạp Đảng rất quan trọng, tránh không nên chạy theo chỉ tiêu vì chỉ sợ để đủ chỉ tiêu sẽ dẫn đến chất lượng giảm sút ở một số cơ sở Đảng. Chọn lọc những người thật sự ưu tú mới kết nạp vì đây sẽ là những hạt giống đỏ của Đảng".

Những "điểm nghẽn"

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế hiện nay công tác kết nạp đảng viên mới trên địa bàn tỉnh, số lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với nguồn hội viên, đoàn viên, quần chúng ưu tú của các đoàn thể chính trị - xã hội và trong các tầng lớp nhân dân. Việc tạo nguồn phát triển đảng một số địa phương còn khó khăn, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp trong các loại hình chưa thật đồng đều, nhất là đảng viên ở địa bàn dân cư, trong lực lượng dân quân tự vệ, trong các doanh nghiệp có chi bộ…

Qua tìm hiểu và sinh hoạt cùng chi bộ ở khu phố cho thấy: Nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư rất hạn chế, do phần lớn thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đã vào học ở các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường, một số ít vào làm trong các cơ quan nhà nước, còn lại phần lớn bám trụ ở các thành phố lớn. Đa số lực lượng thanh niên được đào tạo bài bản có trình độ lại thoát ly khỏi địa phương để làm việc tại các nơi khác nên khó theo dõi, giúp đỡ. Số thanh niên sống ở địa bàn dân cư trình độ, năng lực còn hạn chế, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà khi được tuyên truyền, vận động nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng. Cũng có người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể nhưng hầu hết lớn tuổi. Chưa kể có một bộ phận quần chúng tích cực nhưng không thiết tha, thậm chí không muốn vào Đảng.

Từ thực trạng đó, cần phải tháo gỡ những "điểm nghẽn" nêu trên để bổ sung thêm nguồn lực cho đảng. Các cấp ủy đảng cần chú ý hơn đến công tác phát triển đảng ở địa phương. Các đoàn thể tìm những hội viên, đoàn viên ưu tú để chọn lọc, phân công theo dõi, giúp đỡ vào đảng. Ở địa phương chú ý lực lượng cán bộ trẻ ở các khu phố, thôn, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng đoàn viên thanh niên... Tổ chức nhiều phong trào hoạt động để tìm ra những nhân tố tích cực, nổi bật.

Thu Thủy