Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 07:51, 02/10/2023

Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số (DTTS). Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các DTTS.
van-nghe-cham.jpg

Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền, một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào không còn lưu giữ được hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó. Vì thế, nguồn lực từ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025, sẽ là “đòn bẩy” góp phần quan trọng vào bảo tồn, gìn giữ tài sản vô giá của vùng đất.

van-nghe.11.jpg
Các môn nghệ thuật dân tộc.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Dự án 6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về thực trạng lễ hội và nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc. Dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2023 tiến hành mở các lớp truyền dạy, hỗ trợ lễ vật, trang phục, nhạc cụ cho các dân tộc. Cụ thể, mở lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình); truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) dân tộc Cờ ho tại 2 xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Cùng với đó, trình diễn, tái hiện Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận tại 4 đền tháp: Đền thờ Pô Nít, xã Phan Hiệp (Bắc Bình); Miếu Bà Chúa, xã Phú Lạc và Đền thờ Pô Nrop, xã Phong Phú (Tuy Phong). Sản xuất phim tài liệu về Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền. Tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch và mua, lắp đặt trang thiết bị, vật dụng cần thiết phục vụ xây dựng mô hình kết nối với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm.

5a4ab269-78cb-43a1-ab91-4d7811be6686.jpeg
Đoàn viên, học sinh tham quan Đền thờ Pô Nít.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện hỗ trợ chống xuống cấp di tích cấp quốc gia Đền thờ Pô Nít xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với nhà văn hóa, khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở một số thôn thuộc huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh… Hướng đến mục tiêu chung là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

img_5653.jpg
Chữ viết Chăm.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào các DTTS là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành tài sản và thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống của đồng bào, cùng với sự quan tâm của chính quyền, địa phương, đơn vị liên quan thì có lẽ bản thân cộng đồng dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn. Nhất là sự tham gia đội ngũ đoàn viên, thanh niên người DTTS sẽ mang yếu tố quyết định, vì chính họ là chủ nhân của di sản hiện tại và tương lai.

Thuỳ Linh