Lấn chiếm và biển xâm thực ở bãi trước Mũi Né
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:58, 03/10/2023
Những ngày này, bất cứ ai đến bãi trước của phường Mũi Né hỏi về vấn đề biển xâm thực và lấn chiếm bãi biển sẽ được nghe nhiều câu chuyện không êm tai từ các ngư dân. Phần lớn họ lo sợ, tương lai sẽ ra sao nếu không còn chỗ để ngư cụ cũng như là nơi sinh hoạt việc chài lưới sau mỗi chuyến ra khơi. Bà Trần Thị Ngọc Dung ở khu phố 9, người có con trai đang làm nghề biển nói: “Tài sản duy nhất của nó là thúng chai, mưa bão phải kéo lên bãi bảo quản không thể để ngoài khơi sóng đánh chìm, nhưng bãi biển bây giờ không còn, do người ta lấn chiếm, rồi biển xâm thực nên chúng tôi rất lo”.
Với ông Lê Văn Bay - Hội trưởng Hội người cao tuổi khu phố 9 cũng không giấu được bức xúc chia sẻ, bà con trong khu phố nhờ tôi viết đơn kiến nghị lên ngành chức năng, giải quyết tình trạng xâm thực, lấn chiếm bãi trước, nhưng tôi chưa thực hiện nên nhờ báo chí kiến nghị giúp. “Trước đây bãi biển rất rộng có chỗ cho bà con ngư dân đóng ghe, sửa chữa thúng chai hoặc kéo thúng lên bãi để tránh trú bão, chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến ra khơi. Nhưng hiện nay thì không còn bãi biển do biển xâm thực, lại thêm một số hộ dân lấn chiếm xây nhà ở làm mất cả đường đi xuống biển… Ngư dân ở đây bây giờ gặp không ít khó khăn về bến bãi phục vụ cho nghề đánh bắt hải sản”, ông Bay chia sẻ.
Họ - phần lớn là những ngư dân không lấn chiếm bãi biển, xem bãi biển là nơi Nhà nước quản lý cho phép người dân sử dụng chung, không ai có quyền chiếm hữu. Thế nhưng, số khác thì đã lấn chiếm với quan niệm “biển bồi thì ở, lở thì đi”, và cho rằng nếu họ không lấn chiếm xây nhà ở, đổ đất đá gia cố nhà… thì biển xâm thực hết bãi từ lâu. Chính vì vậy đã xảy ra những mâu thuẫn dẫn đến xô xát giữa người lấn chiếm với người không lấn chiếm, chủ yếu vào những ngày mưa bão không có chỗ tránh trú bão... “Nhiều ngư dân yêu cầu các hộ lấn chiếm rời đi nhường chỗ cho họ để ngư cụ và đường đi xuống biển, nhưng các hộ lấn chiếm không chịu… nên thường xảy ra những cuộc cãi vã dẫn đến đánh nhau gây mất an ninh trật tự ở đây”, ông Nguyễn Văn Tiến - trưởng một khu phố ở Mũi Né chia sẻ.
Phường Mũi Né có 17 khu phố, với hàng ngàn hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề biển, thả lưới, câu khơi. Nơi đây có 2 bãi biển gồm bãi trước và bãi sau, trong đó khu vực bãi trước có 8 khu phố, nhiều ngư dân sinh sống dọc ven bãi. Các bãi biển này như là mái nhà che nắng che mưa, bảo quản ngư cụ là tài sản có giá trị cho họ. “Mùa gió nam từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, ngư dân đưa ghe thuyền ra bãi sau neo đậu, “sinh hoạt” chài lưới, tương tự mùa gió bắc từ tháng 11 năm này đến tháng 3 năm sau, họ đưa ghe thuyền ra bãi trước... Cứ như trời định, êm đềm bao đời nay, nhưng bây giờ bãi trước bị biển xâm thực, lấn chiếm mất bãi rất khó cho bà con”, ông Bay nói thêm.
Bãi trước Mũi Né bị xâm thực, lấn chiếm gần hết, còn sót lại đoạn khu phố 8, ngư dân tập trung về đây, họ đang lo không còn chỗ để “sinh hoạt” chài lưới, bảo quản ngư cụ.
Vấn đề này đã được các trưởng khu phố kiến nghị lên UBND phường Mũi Né, nhưng việc lấn chiếm vẫn chưa giải quyết triệt để, chỉ mới dừng lại ở kêu gọi răn đe một số hộ mới phát sinh lấn chiếm. Còn việc xâm thực nằm ngoài khả năng, vì tình hình chung không riêng Mũi Né mà còn nhiều phường, xã ven biển khác. Ông Bùi Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết, UBND phường đã nhìn thấy khó khăn của người dân trong vấn đề bến bãi phục vụ sinh hoạt chài lưới, bảo quản ngư cụ bao gồm ghe, thúng chai trong mùa mưa bão... Chúng tôi đang xử lý các hộ lấn chiếm, nhưng cũng lo, xâm thực ngày càng ăn sâu vào bãi biển, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của không ít hộ dân. Người dân Mũi Né mong ngành chức năng quan tâm xây dựng cảng cá theo hướng cảng cá xanh, sạch, giải quyết phần nào vướng mắc này cho địa phương.