Triển khai đề tài khoa học hướng tới phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận

Du lịch - Ngày đăng : 05:38, 05/10/2023

Cách đây 2 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với nhiệm vụ của ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai nhiều đề tài liên quan nghị quyết này nhằm góp phần phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận…

Thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong giai đoạn 2022 - 2023 sở chức năng của tỉnh đã và đang tổ chức triển khai 3 đề tài liên quan đến du lịch địa phương. Cụ thể là các đề tài: “Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường và đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường khu vực Khu bảo tồn biển Hòn Cau”, “Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Ariya của người Chăm tỉnh Bình Thuận”, “Nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận”.

img-1062.jpg
img-1003.jpg
Hòn Cau - điểm du lịch hút khách trong thời gian gần đây.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài: “Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường và đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường khu vực Khu bảo tồn biển Hòn Cau” bước đầu đã đánh giá sức tải môi trường cũng như đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học phục vụ phát triển du lịch. Được biết sản phẩm của đề tài là các báo cáo về kết quả: Tải lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn; Hiện trạng đa dạng sinh học và nguồn lợi; Khả năng chịu tải môi trường… từ đó đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Hiện đề tài này đã nghiệm thu, tiến tới bàn giao cho các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh để nhanh chóng triển khai đưa vào ứng dụng… Với đề tài “Nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận” có thời gian thực hiện từ tháng 12/2022 đến hết tháng 11/2023. Mục tiêu hướng đến là xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận nhằm phục vụ phát triển ngành “công nghiệp không khói” một cách bền vững. Sản phẩm chính của đề tài này gồm: Định vị thương hiệu; Bộ giải pháp xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận đảm bảo tính khoa học và khả thi cao; Bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận; Bộ nhận diện thương hiệu du lịch điểm đến…

Trong khi đó, đề tài “Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Ariya của người Chăm tỉnh Bình Thuận” được thực hiện với mục tiêu sưu tầm, thống kê, phân loại Ariya theo các thể loại thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca… Đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn mang tính khả thi nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng, nguy cơ mai một thể loại “thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca” và góp phần phục vụ du lịch. Đến nay đề tài cũng đã nghiệm thu, chuẩn bị bàn giao cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh các đề tài đã và đang triển khai, hiện sở chức năng dự kiến tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả tuyển chọn một số đề tài khác để thực hiện vào thời gian tới. Trong đó có đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy thắng cảnh Bàu Trắng góp phần phát triển du lịch bền vững” và đề tài “Nghiên cứu các nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng”. Qua đó nghiên cứu xác định nguyên nhân gây sạt lở cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ phù hợp, hướng tới gìn giữ, tôn tạo và phát huy thắng cảnh Bàu Trắng, góp phần phát triển du lịch bền vững…

Còn với đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn tỉnh Bình Thuận” được định hướng sản phẩm là mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp lợi thế, điều kiện thực tiễn của tỉnh. Dự kiến gồm mô hình, danh mục các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí cụ thể và một số tour - tuyến, khu - điểm du lịch có thể khai thác, cung cấp sản phẩm du lịch về đêm… Ngoài ra tới đây ngành cũng tính đến triển khai đề tài “Đánh giá giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên khu vực Suối nước nóng Bưng Thị, tỉnh Bình Thuận để phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái”. Đề tài này được định hướng mục tiêu chung là tìm hiểu, phân tích, đánh giá những giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên (địa chất, cảnh quan) để đề xuất quy hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực Suối nước nóng Bưng Thị.

Liên quan công tác này, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu UBND tỉnh bàn giao nhiệm vụ liên quan đến phát triển du lịch được nghiệm thu cho các địa phương, cơ quan, đơn vị đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Cùng với đó cũng đề xuất, tham mưu đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm góp phần phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận trong giai đoạn mới…

Đ.QUỐC