La Gi: “Tàu 67” hoạt động lưới rê không hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 08:48, 08/07/2019

BT- Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp nhiều ngư dân thị xã La Gi đóng mới tàu công suất lớn. Tuy nhiên, dù tàu to, máy lớn, nhưng ngư dân khai thác nghề lưới rê xù kém hiệu quả rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần. 

Tàu nằm bờ

Trái ngược với tiếng cười nói trên những con tàu đầy ắp cá là khung cảnh vắng lặng của những con tàu được đóng theo Nghị định 67, chúng nằm bất động. Ngồi trên “con tàu 67” đã nằm im lìm ở cảng La Gi từ tháng 4/2019 đến nay, anh Trần Văn Thanh ở phường Phước Lộc tâm trạng nặng trĩu. Anh Thanh là chủ tàu Bth – 98586, từ con tàu cũ mua lại ở huyện Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 2017 anh được Nhà nước hỗ trợ nâng cấp tàu vỏ gỗ công suất 450 CV, anh vay ngân hàng 2,5 tỷ đồng đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị cho tàu. Thế nhưng sau vài chuyến ra khơi tàu làm ăn không hiệu quả vì nguồn hải sản rất ít. Mỗi chuyến tàu có lúc không đủ chi phí tiền dầu, đá và chia bạn thuyền. Từ khi nâng cấp tàu đến nay anh Thanh ra khơi được 9 chuyến biển đánh bắt hải sản, bình quân mỗi chuyến từ 7 - 10 ngày, các bạn thuyền thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và trả lương cho người lao động số tiền lãi của anh không nhiều. Nhìn chiếc tàu trơ trọi, anh Thanh ngán ngẩm nói: “Thời tiết đẹp, muốn ra khơi nhưng ngặt nỗi không tìm được lao động, lưới thì rách. Nằm bờ ngày nào chịu lãi ngày ấy, nếu ra khơi không có cá thì lại càng lỗ hơn, không còn cách nào khác gia đình tôi làm đơn xin xem xét kéo giãn thời gian nợ ngân hàng”. Nằm cách tàu anh Thanh là tàu 67 anh Trần Thanh Dũng Bth – 98812 cũng ở phường Phước Hội đã neo bến đậu từ hơn 1 năm nay. Sau 6 chuyến ra khơi từ khi nâng cấp tàu vỏ gỗ, ngư lưới cụ hư hỏng nhiều sau mỗi chuyến biển nhưng không được bảo hiểm bồi thường. Không được hỗ trợ ngư lưới cụ, ra khơi thua lỗ liên tục anh Dũng gặp khó khăn xoay vòng vốn đầu tư để mua sắm lại ngư lưới cụ nên phải nằm bờ.  

Cùng ngư dân gỡ khó…

Chính sách tín dụng theo Nghị định 67 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân thị xã được vay vốn đóng mới, nâng cấp những con tàu lớn, đủ sức vươn khơi xa, bám biển, làm kinh tế tăng thu nhập gia đình góp phần bảo vệ chủ quyền biển  đảo của Tổ quốc. Qua 4 năm thực hiện đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá của thị xã, lần đầu tiên thị xã có những con tàu trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 700CV, với các trang thiết bị khai thác hiện đại, hoạt động nghề mành chụp, lưới rê xù. Toàn thị xã La Gi có 11 trường hợp tàu cá được đóng mới và nâng cấp với số tiền Ngân hàng Nông nghiệp PTNT tỉnh giải ngân hơn 63,3 tỷ đồng. Các tàu 67 hành nghề mành chụp vẫn duy trì vươn khơi bám biển khai thác hiệu quả như tàu đóng mới vỏ gỗ Bth- 97238-TS do ông Bạch Lòng sau khi trừ chi phí và trả lương cho người lao động, bình quân mỗi năm lãi khoảng 600 triệu đồng. Cùng với tàu ông Lòng còn có các tàu đóng mới khác tàu vỏ gỗ ông Nguyễn Tấn Nguyên ở phường Bình Tân, tàu ông Nguyễn Văn Vinh ở phường Phước Hội.

Trong số 11 tàu được đóng và có 4 tàu hành nghề lưới rê xù hoạt động kém hiệu quả. Theo các ngư dân cho biết, mua bảo hiểm cho ngư lưới cụ tốn kém mà không được Nhà nước hỗ trợ. Chuyến biển được ít hơn chuyến biển thất bát, thua lỗ tàu hay gặp sự cố hư hỏng lưới trong khi đó, để được bảo hiểm, ngư lưới cụ phải hư hỏng hoàn toàn kèm với điều kiện tàu chìm, tàu cháy đang làm khó ngư dân. Ngư lưới cụ lưới rê xù khai thác rất lớn, trải dài vùng biển nên thường bị rách lưới do va vào các rạn san hô gây thiệt hại lớn nhưng ngư dân không được bảo hiểm bồi thường. Mặt khác nghề lưới rê xù thường hoạt động xa bờ, nguồn lợi hải sản ít khai thác không đạt, tình trạng khan hiếm lao động là những lý do các tàu 67 hành nghề lưới rê xù rơi vào cảnh nằm bờ thời gian qua. Trước khó khăn trên, Phòngkinh tế thị xã La Gi cho biết đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các công ty bảo hiểm xem xét chính sách bảo hiểm một phần ngư lưới cụ cho ngư dân để hỗ trợ ngư dân sắm sửa lại tiếp tục bám biển.

T.Duyên