Gỡ “thẻ vàng” EC: Bộn bề nỗi lo
Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 31/07/2019
BT- Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá đã được Luật Thủy sản quy định rất rõ. Thực tế cho thấy, hạng mục đầu tư này cũng đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định ấy đang gặp không ít khó khăn.
Tàu từ 15 m đến dưới 24 m sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước 1/4/2020. Ảnh: N.Lân |
“Tối hậu thư” với tàu đánh bắt xa bờ
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Theo kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; tàu cá hoạt động nghề giã cào, tàu cá đăng ký hoạt động vùng biển xa theo Quyết định 48 có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020. Riêng tàu cá làm nghề giã cào bay và tàu cá làm nghề câu, lặn hoạt động vùng biển xa hoàn thành trước 31/10/2019. Các loại tàu cá khác phải được lắp đặt trước ngày 1/4/2020.
Tính đến thời điểm này, 33/35 tàu có chiều dài trên 24 m trong tỉnh đã lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar, đạt 100% tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (có 2 chiếc chi cục đã làm công văn gửi Sở NN&PTNT không lắp đặt thiết bị giám sát. 1 chiếc dịch vụ chở nước của Nam Miền Trung - Tuy Phong và 1 chiếc ở Phú Quý - EU Thanh Lâm chưa xuất xưởng). Bình Thuận cũng đưa ra quyết tâm, chậm nhất đến ngày 1/4/2020, toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đều phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chủ tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ trong quá trình đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết ngư dân vẫn còn thờ ơ, chưa mặn mà với việc làm này.
Ngư dân Nguyễn Thanh - phường Bình Hưng chia sẻ: “Mỗi tàu cá tốn khoảng 30 - 50 triệu đồng cho chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa kể phí để duy trì hoạt động của thiết bị đóng theo tháng, nên nhiều ngư dân rất đắn đo việc lắp thiết bị. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân đỡ gánh nặng chi phí”. Nhiều chủ tàu khác vẫn còn xem nhẹ thậm chí cảm thấy phiền phức khi phải lắp đặt loại máy này vì tọa độ đánh bắt của họ sẽ thông báo về cơ quan quản lý, việc lộ ngư trường khiến nhiều ngư dân không mặn mà. Do đó, việc ngư dân chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo tiến độ vẫn còn ít. Tuy nhiên, khi Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực, tàu không lắp máy giám sát hành trình thì không được xuất bến, không được cấp hạn ngạch khai thác.
Thiết bị giám sát hành trình nào là phù hợp?
Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm, không chỉ siết chặt việc lắp đặt thiết bị trước khi xuất bến, mà các tàu sau khi lắp phải mở máy giám sát hành trình 24/24 giờ, nếu không sẽ bị phạt rất nặng từ 300 - 500 triệu đồng. Đây là chế tài mạnh, thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc quản lý tàu đánh bắt xa bờ.
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 1.814 tàu từ 15 m đến dưới 24 m sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/4/2020. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc và đạt tỷ lệ thấp, nguyên nhân là do đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình nào là phù hợp nên bà con ngư dân hết sức lo lắng. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà phân phối máy thiết bị giám sát hành trình. Mỗi loại máy của 1 nhà phân phối có chức năng, thông số kỹ thuật khác nhau và chưa có phần mềm quản lý chung. Do đó, Chi cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm công bố danh sách các đơn vị đủ chuẩn để phổ biến cho bà con lắp đặt đúng tiến độ.
Thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền, vận động bà con lắp đặt thiết bị, thì công tác kiểm tra, giám sát tàu cá cũng được các đơn vị chức năng tiến hành chặt chẽ hơn. Kiên quyết không để những tàu cá chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết ra khơi đánh bắt.
Đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình nào là phù hợp nên bà con ngư dân hết sức lo lắng. |
Minh Vân