Nỗ lực tạo đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính

Xã hội - Ngày đăng : 05:30, 06/10/2023

Với tư duy đổi mới, hành động sáng tạo, điều hành quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thời gian qua công tác cải cách hành chính của Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng phục vụ Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Chuyển biến mạnh mẽ

Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

z4755500162525_3a9bbd5494362032f9505fa204ea5976.jpg

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính theo Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị toàn tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực cải cách hành chính, đã mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và thực tiễn của địa phương. Bộ máy hành chính nội bộ bên trong của các cơ quan, đơn vị được rà soát kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đã thực hiện tinh giản biên chế hành chính đảm bảo theo lộ trình. Cải cách thủ tục hành chính từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ tổ chức, cá nhân thông qua việc thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết, đồng thời gắn với việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng để tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức thực hiện thủ tục hành chính phù hợp. Đặc biệt, mô hình hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã đã duy trì nề nếp và được tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ. Đáng chú ý, chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành và thuộc Nhóm tỉnh, thành có kết quả cao nhất cả nước. Ngoài ra, qua khảo sát doanh nghiệp đánh giá về chỉ số PCI của tỉnh, các doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường và môi trường đầu tư đảm bảo cạnh tranh bình đẳng…

Nỗ lực quyết tâm hơn nữa

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo có nơi, có lúc chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sâu sát với tình hình thực tiễn, chưa có nhiều cách làm mới, giải pháp mang tính đột phá để cải thiện các tiêu chí liên quan chỉ số cải cách hành chính. Trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện nhiệm vụ công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, còn tình trạng “né tránh”, sợ trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ công việc, gây phiền hà cho người dân. Hầu hết các hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn đều có liên quan đến sự phối hợp không nhịp nhàng giữa các khâu, giữa các cơ quan, đơn vị tham gia vào quy trình. Hồ sơ thủ tục hành chính, nhất là hồ sơ lĩnh vực đất đai, đầu tư… còn giải quyết trễ hẹn. Việc triển khai cung cấp, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến chưa hiệu quả do chưa có các giải pháp, cơ chế khuyến khích để người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Theo Sở Nội vụ, để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là việc cải thiện thứ hạng các chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS, PCI của tỉnh thì các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên quán triệt, phổ biến về mục đích, vai trò của công tác cải cách hành chính, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hoạt động kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối với từng cán bộ, công chức, viên chức phải được chú trọng đúng mức, phải đánh giá sát, đúng, đồng bộ, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, có hành động khắc phục cụ thể đối với các khuyết điểm, hạn chế. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có những sáng kiến, giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Cải thiện quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có tính chất liên thông, phối hợp thông qua việc xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế, quy trình và thời hạn giao cho từng khâu, từng bước trong quy trình. Cập nhật thường xuyên, liên tục quá trình xử lý và kết quả giải quyết hồ sơ công việc trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để theo dõi và xác định rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là rà soát rút ngắn quy trình, đề xuất giảm giấy tờ hành chính gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính phải đi vào thực chất, “nói đi đôi với làm”, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.

“Phải tạo được đột phá trong cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với thủ tục hành chính” là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa diễn ra.

THANH NHÀN