Thanh niên khởi nghiệp thành công từ nuôi ốc bươu đen và du lịch nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 09/10/2023

Tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2023 diễn ra cuối tháng 9/2023, một lần nữa cái tên Nguyễn Hữu Nhơn (SN 1992, thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh) lại được vinh danh. Anh là đoàn viên vừa đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận lần thứ 4 năm 2023 với dự án “Nuôi ốc bươu đen kết hợp du lịch nông nghiệp thân thiện”.

Khởi nghiệp thành công từ nuôi ốc bươu đen

Cách đây không lâu, tôi đã từng có dịp tham quan, trải nghiệm trang trại ốc kết hợp du lịch nông nghiệp của thanh niên Nguyễn Hữu Nhơn ở vùng đất Võ Xu. Khi ấy, hình ảnh chủ trang trại ốc là một nông dân trẻ trong bộ đồ bảo hộ, đang ướt đẫm mồ hôi, chân lội bùn, hì hục lao động bên ao nuôi… Song lần gặp gỡ này, trước mắt tôi là một chàng thanh niên chỉn chu trong màu áo xanh của tuổi trẻ. Ngoài vai trò là một nông dân xuất sắc, chủ trang trại ốc, thanh niên tiêu biểu, hiện anh còn là một doanh nhân thành đạt. Đó là kết quả sau hơn 5 năm nỗ lực, đến nay gia đình anh Nhơn đã xây dựng được hệ thống 5 trang trại ốc bươu với tổng diện tích gần 20 ha. Đồng thời sản xuất và kinh doanh về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi và măng tây xanh. Đáng chú ý, thanh niên này hiện đang hợp tác cùng nông dân địa phương bao tiêu 100% đầu ra đối với cây măng tây xanh, đạt sản lượng gần 50 tấn/năm…

z4756642144272_1de61382b880bde8095a447714b47840.jpg
Chủ trại ốc Nguyễn Hữu Nhơn.
z4756586980603_49fe3fa2785d2097b5e2c8bea78bd299.jpg
Một góc ao nuôi ốc bươu đen của trang trại.

Nêu rõ ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Nhơn cho biết, mô hình nuôi ốc bươu đen có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật chăn nuôi dễ dàng, trong khi tiềm năng thị trường còn rất trống. Cơ sở vật chất là cải tạo ao hồ hiện đang bỏ trống theo hướng cải tạo trả lại môi trường tự nhiên, cho ăn rau củ quả loại dạt như bầu, bí, mướp, bèo cám, bèo hoa dâu… nên chi phí thức ăn rất thấp. Theo hạch toán của chủ trang trại, với nguồn vốn 3 triệu đồng sẽ mua được khoảng 10.000 con ốc con (300 đồng/con). Quá trình nuôi từ 4 - 6 tháng (mật độ nuôi 1.000 -1.500 con/m3), ốc sẽ đạt từ 40 con/kg hoặc lớn hơn là 20 – 25 con/kg, sản lượng đạt khoảng 200 kg. Với giá bán sỉ ốc thương phẩm hiện nay 70.000 đồng/kg, người nuôi có thể đạt doanh thu 13 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 7 - 10 triệu đồng. Các sản phẩm từ ốc bươu đen gồm ốc tươi, ốc gác bếp, chả ốc bươu đen dược liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cải thiện sức khỏe con người.

z4756654014347_a3852bbd3e55cb35ab6d17f141b380a5.jpg
Ốc bươu đen tại ao nuôi.

Hiểu rõ thành công nào cũng có thử thách và động lực vượt khó. Với bản thân anh Nhơn, dù đã tốt nghiệp cử nhân luật và thêm 2 bằng đại học khác với cơ hội làm giàu nơi đô thị, nhưng anh đã lựa chọn trở về quê hương để lập nghiệp, với tâm nguyện vừa làm kinh tế gia đình, vừa góp sức xây dựng quê hương. Anh quyết tâm tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác tích cực học tập kinh nghiệm từ các mô hình tương tự của đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để áp dụng cho mình.

z4756654082074_290847f4f6d6a17a29fe783deef2c45c.jpg
Trứng ốc bươu đen.

Phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm

Nhận thấy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thị trường và nguồn lao động dồi dào tại quê hương, anh Nhơn đã xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp với diện tích gần 5 ha ngay tại điểm nuôi ốc tại thị trấn Võ Xu. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm, nghỉ dưỡng với khung cảnh gần gũi với thiên nhiên. Du khách còn được thưởng thức các món ăn dinh dưỡng chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo và các món ăn dược liệu khác.

z4756622650414_1e494912f8fab382f2244d4583b8bb75.jpg
Du khách đến tham quan, tìm hiểu về trại ốc.

Theo thanh niên Nguyễn Hữu Nhơn, dự án này là điểm khởi đầu, tiên phong thay đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp thành du lịch, dịch vụ thương mại dựa trên nền nông nghiệp hiện có. Khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được việc làm ổn định cho hơn 50 nhân công lao động tại địa phương. Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh của gia đình, anh còn rất tích cực tham gia tư vấn chuyển giao công nghệ cao mô hình nuôi ốc cho đoàn viên thanh niên và bà con trong vùng.

z4756642244886_1ea74a05c2329fb6622be823515f7b95.jpg
z4756626592502_624d198c1a2ea797f4c13cae7f9351ad.jpg
Các món ăn chế biến từ ốc bươu đen.

Về định hướng sắp tới, để quảng bá sản phẩm địa phương, chủ trang trại này đang triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Mặt khác, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu. Cùng với đó, khai thác lợi thế, giá trị khác biệt, nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới.

z4756621970963_992401863a8af143465822f9b4bdb54f.jpg
Trang trại nuôi ốc kết hợp du lịch nông nghiệp.

Mang tâm huyết và khát vọng của tuổi trẻ, thanh niên Nguyễn Hữu Nhơn đã khởi nghiệp thành công từ nuôi ốc bươu đen và du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Anh đã nhận được giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2022. Trong năm 2023, anh vinh dự được khen tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc; hiện là Phó Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của; Tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm kinh tế giỏi do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng; Tấm gương được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc do Hội đồng thi đua Trung ương tổ chức và nhiều giải thưởng vinh dự khác… Đây chính là động lực, cũng là bước đệm để những người trẻ như anh Nhơn quyết tâm khởi nghiệp thành công ngay chính trên quê hương Bình Thuận.

z4756677050991_1503a20c3511111f0f530476b97009d4.jpg
Sản phẩm ốc bươu đen Đức Linh tham gia quảng bá thương hiệu.
z4756582160466_6cd9e3d136662a4337d26b9397ee55f5-1-.jpg
Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận trao giải nhất cuộc thi cho đoàn viên Nguyễn Hữu Nhơn.

Kiều Hằng