Tuy Phong: Vay trả góp giúp chị em vùng khó khăn làm kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 09/10/2023
Chị Trần Thị Thắm ở thôn 3, xã Phước Thể, gia đình có 6 khẩu trong đó con lớn của chị đang học đại học, 3 người đi làm biển và công việc khác nên thu nhập bấp bênh. Khi hay tin Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Phước Thể cho vay trả góp qua Tổ phụ nữ chị đã liên hệ vay 30 triệu đồng với mục đích mua bán hải sản (cá, mực). Chị Thắm cho biết: Hàng ngày nguồn tiền vay được đầu tư mua cá, mực của ngư dân rồi đem ra chợ bán kiếm lời được vài trăm ngàn đồng, trong khi tiền góp cả gốc lẫn lãi chỉ 90.000 đồng/ngày nên trả khá dễ. Nhờ nguồn vốn này mà tôi làm kinh tế ổn, có phần dư ra để lo cho con đi học đại học.
Với chị Hà Thị Thanh Duyên ở xóm 8, thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo vay 30 triệu đồng với mục đích sắm lưới đánh cá. Nhờ nguồn vốn này nên gia đình có thêm thu nhập, giúp kinh tế gia đình được ổn định hơn... Còn chị Lê Thị Sớt ở xóm 4, thôn Phú Điền, xã Phú Lạc chuyên làm la ghim nên đến mùa vụ hay phải vay tiền bên ngoài lãi cao. Khi được Tổ phụ nữ thôn thông tin QTDND cho vay trả góp lãi suất chỉ 8%/năm, chị đã vay 20 triệu đồng với mục đích đầu tư hành giống. Nhờ khoản vay này nên gia đình chị giảm được áp lực khoản trả lãi cao bên ngoài…
Ông Nguyễn Hồi – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Phước Thể, cho biết: Để người lao động nghèo tiếp cận được đồng vốn vay thuận lợi, hạn chế nạn cho vay nặng lãi tại địa bàn nông thôn, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, QTDND Phước Thể mạnh dạn áp dụng mô hình cho vay trả góp người có thu nhập thấp đạt hiệu quả. Từ chỗ tổ chức thí điểm 2 tổ/40 thành viên/400 triệu đồng, nay mô hình được nhân rộng lên 61 tổ/1.200 thành viên và đã giải ngân hơn 25 tỷ đồng. QTDND Phước Thể được thành lập từ năm 1997 đến nay, hiện có tổng nguồn vốn hoạt động hơn 130 tỷ đồng, vốn tự có 12 tỷ đồng. Trong đó vốn điều lệ 7 tỷ, vốn huy động 120 tỷ đồng và dư nợ cho vay 130 tỷ đồng, nợ xấu 0,5%. Hoạt động trên địa bàn 3 xã liền kề cùng huyện Tuy Phong gồm xã Phước Thể (xã đảo), xã Vĩnh Hảo (xã miền núi) và xã Phú Lạc (xã đồng bào Chăm), địa bàn hoạt động xa, dân cư phân tán, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, người dân lao động nghèo, không có tài sản bảo đảm khó tiếp cận đến nguồn vốn vay, khi cần vốn sản xuất phải đi vay nặng lãi.
Nắm bắt được tình hình địa phương, QTDND Phước Thể phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ 3 xã là Phước Thể, Vĩnh Hảo, Phú Lạc thành lập tổ cho vay trả góp từ 15 – 30 người/tổ, thông qua chính quyền địa phương. QTDND Phước Thể cùng Hội Phụ nữ xã xét duyệt hồ sơ vay vốn từng tổ viên (tối thiểu 10 triệu đồng/người, tối đa 30 triệu đồng/người), lập thủ tục giải ngân trực tiếp đến người vay thời gian trong 3 ngày. Sau khi hội viên vay vốn, hàng ngày tổ trưởng trực tiếp đi thu của các thành viên về nộp tại QTDND Phước Thể (từng tổ mở sổ tiết kiệm). Cuối tháng, cùng Hội Phụ nữ xã và tổ trưởng rút sổ tiết kiệm trả nợ cho từng thành viên trong tổ. Qua cách cho vay trên, người nghèo dễ tiếp cận nguồn vốn của QTDND, dễ trả được nợ gốc. Mô hình được người dân đồng tình, chính quyền hỗ trợ, phân tán được rủi ro trong cho vay. Từ cách làm trên, thành viên tham gia vào quỹ ngày càng nhiều, đến nay QTDND có trên 3.000 thành viên, tăng trưởng tín dụng ngày càng cao, lợi ích kinh tế đem lại cho cả người dân và QTDND…