Vẻ đẹp đình Tú Luông

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:05, 09/10/2023

Ông cha xưa tâm niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá, địa cuộc nào có Thành hoàng đó”. Vì ý tưởng đó mà sau khi cộng đồng làng xã định hình, mỗi một làng quê đều chăm lo chú trọng việc xây dựng đình làng. Đình làng Tú Luông cũng ra đời trong bối cảnh xã hội như vậy.
img_5988.jpg
Cổng đình Tú Luông 

Ngôi đình bề thế về kiến trúc

Đình Tú Luông được gọi theo tên của làng Tú Luông ngày trước. Thuở sơ khai, đình dựng bằng tranh lá đơn sơ và dần dần nhiều thập niên sau đó mới được tôn tạo bề thế trang nghiêm. Như những đình khác ở Bình Thuận, đình Tú Luông do toàn thể hương chức và nhân dân trong làng đóng góp công của tạo dựng nên. Năm 1995 – 1996, qua khảo sát, đối chiếu từ kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí tạo hình, các di vật cổ còn lại ở đình và tìm hiểu gia phả của một số tộc họ định cư lâu đời ở trong làng, Bảo tàng và Sở Văn hóa thông tin Bình Thuận xác định niên đại tạo dựng đình Tú Luông vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Hiện ngôi đình tọa lạc tại phường Đức Long, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 1,5 km về hướng Tây Nam. Theo ông Nguyễn Hữu Tứ - Trưởng Ban quản lý đình làng Tú Luông, lúc mới khai lập, Tú Luông là một trong những làng quê có vị thế tọa lạc lý tưởng, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống và sớm có kinh tế ổn định ở Phan Thiết. Ở đình Tú Luông còn lưu giữ bức hoành cổ khắc ghi chữ Hán nói rõ về địa dư và cảnh quan của làng.

img_6000.jpg
img_5993.jpg
Đình Tú Luông còn giữ nguyên vẹn ngói âm dương cổ và gạch bát tràng 

Quần thể kiến trúc đình Tú Luông lúc mới tạo dựng khá quy mô, bề thế bao gồm đình thờ Thần, Tiền đường, cổng Tam quan, bình phong, gian thờ Tiền hiền, nhà Võ ca, nhà Nhóm, nhà bếp, cổng hậu và bức tường thành bao bọc xung quanh. Trước tác động của thời gian, môi trường thiên nhiên, chiến tranh và một phần vì sự lãng quên của chính con người nên nhiều bộ phận kiến trúc quan trọng bị tháo dỡ và sụp đổ hoàn toàn như nhà võ ca, cổng Tam quan, bức vòng thành, bình phong. So với các di tích cổ ở Bình Thuận, đình Tú Luông có một kết cấu kiến trúc đặc sắc riêng, ở đây sử dụng đồng thời 2 dạng kiến trúc dân gian tiêu biểu ở địa phương, đó là dạng kiến trúc “tứ trụ” và “trùng thiềm điệp ốc” phối kết hợp. Trong kết cấu kiến trúc, gỗ, gạch đóng vai trò quan trọng. Trong đó gỗ là vật liệu chính yếu để tạo nên bộ khung liên kết của từng nóc đình, tiếp đến là chất vữa pha chế bằng kinh nghiệm dân gian từ vôi, vỏ sò, cát, mật đường, nhựa cây... để làm chất kết dính xây dựng nên các bức tường vững chắc và các nóc đình trang nghiêm, cổ kính. Các vật liệu lợp và lát nền vẫn còn bảo lưu, đó là ngói âm dương cổ và gạch bát tràng vốn được sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc dân gian lúc bấy giờ ở địa phương. Hàng trăm bộ phận chi tiết gỗ nhất loạt là loại gỗ quý (căm xe, căm liên) chịu được mối mọt, tất cả được nghệ nhân xưa dày công đục chạm, gờ cạnh và tạo dáng thanh nhã, được lắp ghép với nhau sít sao như những khối gỗ liền mộng tinh xảo theo phương pháp thủ công và kinh nghiệm dân gian, tạo ra những bộ khung cân đối, vững chắc nâng đỡ các nóc đình khá nặng nề bên trên.

img_5994.jpg
Người dân đến lễ tế Thu nhớ đến công đức tổ tiên, cầu quốc thái dân an

Thiết chế văn hóa cộng đồng làng xã

Đình Tú Luông và một số ngôi đình lớn khác ở Bình Thuận đã được các đời vua triều Nguyễn công nhận bảo hộ, coi đó là thiết chế văn hóa cộng đồng làng xã, gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Hiện tại đình còn lưu giữ 10 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn.

Ngoài ra, ở đình còn lưu lại 2 chiếc đại hồng chung đúc đồng có niên đại vào cuối thế kỷ XIX. Cả 2 chiếc đại hồng chung đóng vai trò quan trọng trong việc hòa âm nhạc lễ hàng năm của đình. 6 long khám, 4 hương án, 3 bức bao lam và 2 chiếc án thư. Đây là những di vật đóng ghép bằng gỗ quý, được chạm trổ, điêu khắc công phu, sắc nét. Những di vật này có chức năng quan trọng trong việc bài trí thờ phụng ở nội thất. 20 bức hoành phi và 16 câu đối, toàn bộ chạm khắc chữ Hán cổ sắc nét trên những loại gỗ tốt. Mỗi bức có kích cỡ khác nhau, một số có chạm lộng viền quanh những hình tượng giao long, hoa lá thanh nhã. Nội dung ca ngợi uy quyền của thần linh, truyền lại cho con cháu về công ơn to lớn của ông bà, tổ tiên; chỉ giáo thế hệ đi sau nếp thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Hàng năm đình tổ chức 2 kỳ lễ hội chính (tế Xuân vào ngày 11 - 12 tháng 2 âm lịch, tế Thu vào ngày 16 - 17 tháng 8 âm lịch) để tạ ơn Thành hoàng, Tiền hiền và ông bà tổ tiên. Đây là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, ôn lại truyền thống, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, nhắc nhở cho mình lối sống lành mạnh, có ích.

Thùy Linh