Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực lợi thế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 10/10/2023
Nhiều mô hình mới đang được triển khai
Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 10/9/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao và Quyết định số 80 của UBND tỉnh, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp được tập trung. Thời gian qua, Sở KH&CN đã tập trung nghiên cứu vào các giống cây trồng chủ lực, giống vật nuôi chủ yếu như: cải thiện chất lượng đàn bò bằng các giống tinh ngoại nhập, nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai, tuyển chọn các loài cây ăn quả có nguồn gốc bản địa, phục tráng giống lúa mẹ…
Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật công nghệ được ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi như: giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa, liên kết sản xuất và tiêu thụ mủ trôm theo hướng bền vững, sản xuất nha đam định hướng hữu cơ theo liên kết chuỗi, thâm canh tổng hợp cây điều bền vững, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát, xây dựng mô hình liên kết sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, sản xuất nho NH01-152, táo gắn với liên kết chuỗi… Ngoài ra, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao và xây dựng nhằm góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vào sản xuất địa phương như: mô hình trồng rau thủy canh, mô hình nuôi cá chình bông, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá chẽm, mô hình sản xuất đậu bắp nhật…
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, du lịch cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh. Do đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực này cũng được quan tâm, nhằm phát triển du lịch bền vững. Kết quả nghiên cứu thành công sẽ giúp định vị thương hiệu du lịch của tỉnh và đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận. Theo đó, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung nghiên cứu, đánh giá giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên khu vực Suối nước nóng Bưng Thị để phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy thắng cảnh Bàu Trắng…
Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực y tế luôn được Sở quan tâm, đầu tư với bảo tồn, xây dựng và phát huy các nguồn dược liệu có tiềm năng tại địa phương. Theo đó, có 4 đề tài khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện. Đó là, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, thực phẩm chức năng từ cây bụp giấm tại Bình Thuận; chiết xuất tinh dầu từ nguồn dược liệu ngũ trảo tạo sản phẩm đặc trưng cho huyện Phú Quý; sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ loài địa y Roccella Montagnei trên địa bàn huyện Tuy Phong và nghiên cứu điều tra thu thập các giống cây dược liệu và đề xuất phương án bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại Bình Thuận.
Tăng cường ứng dụng rộng rãi các thành tựu KH&CN
Có thể thấy, các kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sau khi được triển khai thành công đều được bàn giao kịp thời, để ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất. Tuy nhiên, sức lan tỏa còn chậm, kết quả ứng dụng chưa được nhiều để tạo nên một xu hướng chung trong xã hội. Nguyên nhân do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc hình thành, quản lý và sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp còn khó khăn. Đến nay toàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp (Công ty TNHH cao su Bình Thuận) thành lập quỹ phát triển KH&CN…
Do đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN, để thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân” được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo Sở KH&CN tỉnh, thời gian tới, cần tập trung nguồn lực để đảm bảo mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN hàng năm theo Luật KHCN; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào KHCN, trong đó, đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế của doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích trích tối đa 10% thu nhập tính thuế của doanh nghiệp để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Nâng cao tính chủ động các ngành, các địa phương trong việc tham mưu đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ cấp Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhất là trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Trong đó, tập trung vào các đề tài, dự án mang tính ứng dụng cao để nhanh chóng chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…