Nhà Trắng: Mỹ không có ý định đưa quân tới Israel
Quốc tế - Ngày đăng : 09:23, 10/10/2023
Theo kênh CNN, thông tin trên do Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược, ông John Kirby đưa ra với các phóng viên.
Tuy nhiên, ông Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ luôn đảm bảo rằng Mỹ đang bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia ở mọi nơi, cho dù lợi ích đó nằm ở đâu, kể cả tại khu vực đó trên thế giới.
Ông Kirby nói thêm rằng đợt hỗ trợ an ninh bổ sung đầu tiên của Mỹ dành cho Israel để đối phó với các cuộc tấn công đang trên đường tới nước này. Ông nói: “Chúng tôi dự báo Israel sẽ có thêm yêu cầu hỗ trợ về hệ thống an ninh khi họ tiếp tục sử dụng đạn dược trong cuộc chiến này và chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ”.
Trước đó, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này đang đề nghị hỗ trợ tình báo và lập kế hoạch hoạt động đặc biệt cho Israel trong khuôn khổ nỗ lực giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ.
Trong quá trình hỗ trợ, thay vì đưa binh sĩ vào Israel, Mỹ sẽ giúp dưới hình thức tình báo, giám sát và trinh sát. Các đơn vị Mỹ sẽ hỗ trợ Israel gồm Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ và Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Mỹ, cũng như Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Liên hợp (JSOC) - cơ quan chỉ huy trong quân đội và chuyên xây dựng các chiến thuật, kế hoạch hoạt động đặc biệt.
Chủ đề này cũng được đưa ra trong cuộc gọi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vào cuối tuần qua. Sau đó, ông Austin chỉ đạo nhóm JSOC lập kế hoạch và hỗ trợ thông tin cho quân đội Israel.
Israel chưa công khai có bao nhiêu con tin bị bắt trong cuộc tấn công bất ngờ mà Hamas thực hiện từ Gaza, nhưng các quan chức thừa nhận con số này rất đáng kể.
Chính quyền Mỹ đang cố gắng xác định có bao nhiêu người Mỹ đã thiệt mạng hoặc bị bắt làm con tin trong cuộc xung đột. Ông Kirby cho biết Mỹ không cân nhắc sơ tán khẩn cấp công dân nước này ở Israel.
Trong một tuyên bố ngày 9/10, Tổng thống Joe Biden nói rằng Bộ Ngoại giao đang hỗ trợ lãnh sự và cập nhật các cảnh báo an ninh để người Mỹ được thông báo về tình hình, nhưng người Mỹ sẽ cần tự sắp xếp kế hoạch đi lại để rời khỏi Israel.
Tổng thống Biden nhận định rất có khả năng các công dân Mỹ nằm trong số những người bị Hamas bắt làm con tin. Theo ông Biden, chính quyền Mỹ vẫn đang làm việc để xác nhận xem có con tin người Mỹ nào không. Ông Biden nhấn mạnh: "Sự an toàn của công dân Mỹ - dù ở trong hay ngoài nước - là ưu tiên hàng đầu của tôi với tư cách Tổng thống". Nhà lãnh đạo Mỹ cho hay ông cũng đã chỉ đạo đội ngũ làm việc với phía Israel về mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng con tin.
Trong khi đó, ngày 9/10, một phát ngôn viên của phong trào Hồi giáo Hamas cảnh báo rằng lực lượng này sẽ hành quyết một con tin Israel và đưa hình ảnh vụ hành quyết lên mạng mỗi khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, quân đội Israel) tấn công không báo trước vào dân thường ở Dải Gaza.
Theo đài RT, người phát ngôn của Lữ đoàn Al-Qassam tuyên bố trong một thông điệp phát trên kênh Al Jazeera: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào thường dân mà không có cảnh báo sẽ bị đáp trả bằng một vụ hành quyết con tin dân thường đang bị chúng tôi giam giữ. Chúng tôi sẽ buộc phải phát sóng vụ hành quyết này. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này nhưng chúng tôi buộc Israel và lãnh đạo nước này phải chịu trách nhiệm về việc đó”.
Hamas đã bắt giữ một số binh sĩ và dân thường Israel từ ngày 7/10, khi các tay súng của lực lượng này xâm nhập vào các khu định cư của người Do Thái gần Gaza. Người phát ngôn của Hamas, Mousa Abu Marzouk, nói với kênh al-Ghad TV rằng nhóm này có trên 100 con tin, trong đó có cả các quan chức cấp cao của Israel. Một nhóm người Palestine khác là Islamic Jihad ngày 8/10 cũng tuyên bố họ giữ ít nhất 30 con tin.
Hàng chục người nước ngoài đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng Israel - Hamas, trong đó có các nạn nhân đến từ Thái Lan, Nepal, Ukraine, Pháp, Anh, Canada và Campuchia. Ít nhất 900 người đã thiệt mạng ở Israel, trong khi trên 600 người đã thiệt mạng ở dải Gaza khi Israel tấn công vùng đất này.