Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 14:47, 10/10/2023
Tạo đột phá phát triển trong thời kỳ quy hoạch
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn khẳng định việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Các đột phá phát triển là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh ưu tiên phát triển 3 trụ cột công nghiệp (công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo…); dịch vụ, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7,5 - 8%/năm. GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 -8.000 USD. Thu hút khách du lịch đến năm 2030 đạt 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 15 -20%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 50,8%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4 - 0,6%/năm…
Về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, Bình Thuận phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gồm công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản; dịch vụ; kinh tế biển. Ngoài ra, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực khác như ngành công nghiệp khai khoáng, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông…
Cùng với đó, tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội như bố trí không gian phát triển mới phù hợp với các định hướng, mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Liên kết không gian vùng huyện, liên huyện theo hướng tổ chức không gian tỉnh gồm 4 vùng : Vùng Trung tâm gồm TP. Phan Thiết và các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, huyện đảo Phú Quý. Vùng Đông Bắc gồm các huyện Bắc Bình, Tuy Phong. Vùng Tây Nam gồm thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Vùng Tây Bắc gồm huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh.
Riêng định hướng phát triển hệ thống đô thị, các khu chức năng và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, Quy hoạch tỉnh nêu rõ đến năm 2030 tỉnh có 17 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (TP. Phan Thiết), 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu) và 11 đô thị loại V. Cùng với phát triển khu vực đô thị, tỉnh cũng định hướng phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ có chất lượng tiệm cận với khu vực đô thị. Trong đó ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với các vùng phát triển…
Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư
Để đạt được những kết quả này, nội dung Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh các nhóm giải pháp chủ yếu là tập trung huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư. Đặc biệt cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút và hấp thụ tốt các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng danh mục chương trình, dự án quan trọng ưu tiên do tỉnh quản lý để tập trung đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm nhằm tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Tăng cường tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Song song, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Về giải pháp nguồn nhân lực, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng chính quyền kiến tạo, quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chính quyền địa phương các cấp đi đôi với việc thực hiện hiệu quả các chính sách trong công tác cán bộ. Tỉnh cũng đưa ra các giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ. Nhất là thu hút các ngành công nghiệp, nông nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường trong những ngành có lợi thế như khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là các giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, giải pháp về huy động nguồn lực đất đai; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…
Theo quan điểm phát triển của tỉnh, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; hướng tới nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Từ đó nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân.
Nội dung Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh cho biết, phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận bao gồm toàn bộ tỉnh với tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2 và diện tích vùng biển đưa vào nghiên cứu quy hoạch là 20.288 km2, bao gồm mặt biển, cột nước biển từ mặt biển đến đáy biển, trên mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển thuộc nội thủy và vùng biển tỉnh được giao quản lý; trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 1 thành phố (Phan Thiết), 1 thị xã (La Gi) và 7 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân) và 1 huyện đảo (Phú Quý).