Vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất công ở Mũi Né

Pháp luật - Ngày đăng : 05:28, 11/10/2023

Từ khu phố 1 cho đến khu phố 17, phường Mũi Né (TP. Phan Thiết), nhiều khu vực đất công bị người dân, nhóm người lấn chiếm xây nhà ở, đầu cơ trục lợi, bất chấp pháp luật. Chính quyền địa phương dường như đang bất lực trong ngăn chặn xử lý.
20231003_151523.jpg
Một trong những điểm lấn chiếm có quy mô lớn ở hai bên đường Võ Nguyên Giáp, địa phương chưa xử lý dứt điểm.

Lo ngại

Mũi Né là một trong những địa phương đất “vàng” ven biển của tỉnh, có tổng diện tích tự nhiên 3.436,6 ha. Trong đó ngoài đất ở đô thị, thương mại dịch vụ, giáo dục, quốc phòng, đất rừng… còn lại là đất đồi, động; đất nghĩa địa, bãi bồi ven biển (gọi chung là đất công thuộc nhà nước quản lý), trải dài ở 17 khu phố trên địa bàn phường. Hơn 10 năm trở về trước, loại đất này không ai quan tâm và nó thực sự là đất sạch, không bị ai lấn chiếm.

20231003_110533.jpg
Người dân sống chung với mồ mả trong một nghĩa trang tại Mũi Né.

Những năm gần đây, đất đai có giá, con người thực sự cảm nhận “tấc đất, tấc vàng”, nhất là đất ở các khu đô thị, khu vực ven biển phát triển du lịch. Nhiều người đổ xô về đây ở, đầu tư kinh doanh du lịch, dịch vụ và bất động sản, đẩy giá đất lên cao tạo nên “cơn sốt đất”, nảy sinh nhiều vấn nạn, trong đó có lấn chiếm đất trái phép. “Ở Mũi Né có 17 khu phố, trong đó có 5 khu phố có đất bãi bồi ven biển, còn lại có đất động, nghĩa trang, dự án… thấy người ta lấn chiếm nhiều năm nay”, ông Nguyễn Văn B và nhiều người khác, bao gồm cả cán bộ hưu trí ở phường Mũi Né lo ngại nói.

Lấn chiếm nhiều nơi

Từ khu vực ven đường Võ Nguyên Giáp, khu vực Đồi Hồng thuộc khu phố 15; nghĩa trang cũ ở khu phố 14 và các động, đồi, bãi bồi ven biển ở các khu phố khác, chỗ nào cũng nhà tạm, nhà xây, cọc bê tông rào giữ đất, thậm chí hình thành như một khu dân cư. Có những điểm lấn chiếm đang diễn ra tình trạng mua bán và địa phương không biết vì nhân lực mỏng. “Chiều ngang 16m, chiều dài hơn 40m, giá khoảng 600 triệu đồng nó mới bán. Trước đó có người trả nó 450 triệu đồng, nó không bán. Nếu mua được miếng này thì mua, tôi còn một miếng ở phía dưới bán 150 triệu đồng…”, một phụ nữ tên Bé giới thiệu với chúng tôi, khi trong vai người mua đất mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, thuộc khu phố 15, phường Mũi Né.

20231003_110453.jpg
Ngôi mộ ở giữa lô lất lấn chiếm tại một nghĩa trang.

Ở khu vực Đồi Hồng, Mộ Cô – nghĩa trang mới của Mũi Né và khu vực nghĩa trang cũ ở khu phố 14, các bãi bồi ven biển cũng trong tình trạng tương tự. Có chỗ chúng tôi thấy xây biệt thự kiên cố; nhà vườn trồng cây lưu niên, có điện thắp sáng, camera giám sát, đường vào lát gạch chạy ra đại lộ Võ Nguyên Giáp. Ở nghĩa trang, nhà người dân sống xen lẫn với mồ mả đang tiếp tục mọc lên. “Tôi mua đất này với giá 30 triệu đồng bằng giấy tay cách đây 2 năm, sau khi bán ngôi nhà 2 mặt tiền ở khu phố 11 để trả nợ ngân hàng. Chính quyền địa phương có xuống nhắc nhở, nhưng người ta ở được thì tôi cũng ở được…”, bà Lâu một người dân chia sẻ việc mình mua đất lấn chiếm ở khi chúng tôi quan sát nhà bà có nhiều mồ mả vây quanh, trong đó, lô đất bên cạnh nhà bà rào kẽm gai có ngôi mộ ở giữa. “Đất này của người ta mua rồi, còn ngôi mộ là của người khác, hàng năm vào những ngày thanh minh, giỗ, tết họ vẫn đến nhang khói. Họ biết đất mộ đã bị lấn chiếm, nhưng thấy mồ mả vẫn yên ổn nên cứ để vậy”, bà Lâu nói thêm.

z4748580317241_9fd582003bf1bc10552064d4d47e8d5a.jpg
Một hộ dân chồng tiền mua đất của người lấn chiếm bằng viết giấy Hồi công đất (giấy bán đất), sau đó bị mất tiền.

Trước thực trạng, chúng tôi liên hệ với các trưởng khu phố, trong đó có Trưởng khu phố 15 - ông VQH. Khu phố 15 là nơi đang bị lấn chiếm và xây dựng trái phép nhiều nhất, nhưng ông từ chối gặp. Riêng các trưởng khu phố khác phần lớn họ đang rất bức xúc tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn phường. “Người dân phản ánh rất nhiều về tình trạng lấn chiếm đất đai trên địa bàn phường. Có những trường hợp bị mất tiền vì mua đất của băng nhóm chuyên đi lấn chiếm đất công. Là những người quản lý địa bàn khu phố khi chúng tôi phát hiện lấn chiếm, báo cáo lên UBND phường, họ có xử lý, nhưng vẫn thấy lấn chiếm, thậm chí tiếp tục xây nhà trên đất lấn chiếm”, một trong những trưởng khu phố bức xúc nói.

Lấn chiếm đất đai vẫn diễn ra tràn lan trên địa bàn Mũi Né, hình ảnh trong clip là điển hình vài địa điểm.

Cần xử lý mạnh

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng, ông Đỗ Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy phường Mũi Né thừa nhận tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn phường Mũi Né đã và đang diễn ra. “Chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo lãnh đạo UBND phường phải quản lý tốt không để lấn chiếm, xây dựng trái phép. Những trường hợp xây dựng trái phép trước đây vẫn tiếp tục xử lý, đồng thời ngăn chặn không để phát sinh thêm. Nếu có phát sinh phải cưỡng chế ngay và báo cáo từng trường hợp cụ thể cho Đảng ủy có hướng chỉ đạo xử lý”, ông Bảo cho biết.

Lấn chiếm đất đai vẫn diễn ra tràn lan trên địa bàn Mũi Né, hình ảnh trong clip là điển hình vài địa điểm.

Tuy vậy, tình trạng lấn chiếm, chưa kể xây dựng trái phép trên địa bàn phường chưa có dấu hiệu giảm, đất công vẫn đang bị các đối tượng xấu “mang đi lừa” người khác để thu lợi bất chính, xây dựng trái phép vẫn diễn ra, dù trước đó, UBND TP. Phan Thiết đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND phường Mũi Né quản lý chặt chẽ lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Người dân Mũi Né đang mong ngành chức năng có biện pháp mạnh xử lý, và tiếp tục quản lý chặt chẽ đất đai theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Lê Ninh