Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên tại Bình Thuận

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 11/10/2023

“Bảo tàng cổ vật Mũi Né” là tên gọi của bảo tàng ngoài công lập do ông Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) làm chủ, vừa được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép hoạt động. Đây là bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên của tỉnh, góp phần lưu giữ những ký ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc.
h-1-1-.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn đang giới thiệu với các nhà nghiên cứu và khách tham quan về các hiện vật (ảnh tư liệu)

Bảo tàng cổ vật Mũi Né chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/10/2023 theo quy định tại Thông tư số 18 ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận và chính quyền địa phương. Bảo tàng đặt tại khu phố 5, phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, và miễn phí vé cho du khách đến tham quan. Bảo tàng trưng bày hơn 40.000 hiện vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, có niên đại từ 1.500 năm trước Công nguyên đến trước năm 1975, chia thành nhiều chủ đề. Trong đó có các cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn, đồ trang sức của văn hóa Óc Eo, văn hóa Khmer, gốm Sa Huỳnh, gốm Gò Sành của người Chăm ở Bình Định, cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hiện vật phục vụ tôn giáo tín ngưỡng; các bức tượng Chăm, bia mộ cổ qua các thời kỳ, gốm sứ Nam bộ… Trong đó đáng chú ý với bộ đàn đá 20 thanh được ông sưu tầm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), có niên đại hơn 3.500 năm.

khong-gian-trung-bay-4.jpg
khong-gian-trung-bay-3.jpg
khong-gian-trung-bay-2.jpg
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Mũi Né

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (sinh năm 1975) hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Bình Thuận. Từ lúc 12 tuổi ông đã có niềm đam mê, góp từng mảnh gốm vỡ từ hũ, bình, chén thuộc văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm xuất lộ trên động cát ven biển để đưa về nghiên cứu, tìm hiểu. Cộng thêm vốn kiến thức học hỏi được từ các nhà khảo cổ học, dân tộc học, ông đã nhận biết, phân loại các loại hình, giám định niên đại qua hoa văn, chủng loại, chất liệu. Ông đã tặng hàng ngàn hiện vật quý cho các bảo tàng trong và ngoài tỉnh, trường đại học để trưng bày, phục vụ khách tham quan, giảng dạy. Đam mê, am hiểu, chịu khó tìm tòi, ông đã mở phòng trưng bày tại gia đình nhiều năm nay phục vụ khách tham quan miễn phí.

khach-tham-quan.11.jpg
Khách tham quan, tìm hiểu bộ đàn đá (ảnh tư liệu)

Như vậy, việc ra đời Bảo tàng cổ vật Mũi Né sẽ góp phần bảo tồn, lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá trong tiến trình phát triển của dân tộc. Minh chứng rõ nét về bức tranh văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, từ đó giáo dục nhân dân về lòng yêu nước, lòng biết ơn với tổ tiên, cội nguồn. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm dừng chân để du khách tham quan, thư giãn. Những thông tin, hình ảnh, câu chuyện về bảo tàng cổ vật sẽ tăng độ nhận diện, kết nối các điểm đến, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.

Bình Thuận hiện có 2 bảo tàng công lập là Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận và 2 bảo tàng tư nhân là Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, Bảo tàng cổ vật Mũi Né.

Thùy Linh