Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước mùa lễ hội

Pháp luật - Ngày đăng : 07:19, 12/10/2023

Lễ hội Dinh Thầy Thím được xem là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, diễn ra trong thời gian nhiều ngày, thu hút người dân và du khách đến tham quan, bái tế ngày càng đông.

Lễ hội năm nay sẽ được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 28 – 30/10/2023 (14 – 16/9 âm lịch). Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đến tham dự lễ hội, Ban quản lý dinh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, cũng như có phương án xử lý các sự cố cháy nổ có thể xảy ra.

untitled-1.jpg

Khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím tọa lạc tại khu rừng Bàu Cái (thôn Tam Tân, thị xã La Gi).

Với diện tích tự nhiên hơn 10 ha, cùng với lối kiến trúc mang đậm nét cổ kín. Khu dinh thờ Thầy Thím tọa lạc tại khu rừng Bàu Cái thuộc thôn Tam Tân (thị xã La Gi), bao gồm các hạng mục: Chính điện, Võ ca, gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền... đều sử dụng gỗ là nguyên vật liệu chủ yếu. Cộng với việc thắp hương, nến, dâng lễ với số lượng người tập trung đông sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Vì vậy, một trong các giải pháp quan trọng nhằm phòng tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ đó là chủ động tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy ngay từ trước mùa lễ hội. Ban Quản lý dinh đã phối hợp với với các ban, ngành liên quan xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và đảm bảo các điều kiện để triển khai phương án.

gg.jpg

Phối hợp với ngành chức năng kiểm tra trang thiết bị chữa cháy tại chỗ.

Theo đó, các thành viên tổ công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ sẽ được phân công luân phiên túc trực 24/24. Trong đó, tập trung tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống điện, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ; thường xuyên bảo dưỡng hoặc thay mới bình chữa cháy, hệ thống cấp nước, bể chứa, vòi phun nước… cũng như tăng cường trang bị thêm một số thiết bị phòng cháy chữa cháy trong khu di tích để sẵn sàng khắc phục và xử lý kịp thời với mọi tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dinh còn quy định khu vực thắp hương cho du khách bên ngoài khu chính điện; nghiêm cấm việc thắp hương bên trong gian chính điện, vừa đảm bảo thông thoáng, vừa đề phòng hỏa hoạn xảy ra. Song song đó, các hội viên trong di tích luôn túc trực tại các khu vực hành lễ, thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, du khách nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định phòng cháy chữa cháy khi đến tham quan, chiêm bái tại đây.

Có thể thấy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước khi diễn ra lễ hội luôn được Ban quản lý di tích quan tâm, chú trọng. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến tham quan, chiêm bái; đồng thời, bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị vô giá của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Minh Duyên