Thử nghiệm giống bắp mới để nâng cao hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 05:35, 13/10/2023
Từ vụ bắp thất mùa, thất giá
Những ngày này, đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh bắt đầu bước vào mùa thu hoạch bắp vụ hè thu 2023. Dọc tuyến đường chính của 2 xã, từng chiếc xe tải chở hàng chục bao bắp thành phẩm tập kết ven đường, chờ được Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh (Trung tâm) thu mua, bao tiêu sản phẩm theo chương trình đầu tư ứng trước.
Ông Mang Văn Cảnh, thôn 1, xã Hàm Cần là một trong số các hộ đồng bào sản xuất bắp lai tại địa phương. Ông Cảnh cho biết, vụ bắp năm nay bà con vừa mất mùa, vừa mất giá, dẫn đến thua lỗ. Gia đình ông sản xuất 3 ha bắp nhưng năm nay lỗ khoảng 20 triệu đồng do năng suất và giá bán đều thấp, phải nợ lại Trung tâm chi phí đầu tư ứng trước.
Nói về tình hình sản xuất bắp vụ hè thu 2023 trên địa bàn thôn, ông Mang Văn Dương, đại lý thôn 1, xã Hàm Cần cho biết, do thời tiết, sâu bệnh nên cây bắp ít trái, sản lượng ít hơn mọi năm. Nếu như mấy năm trước sản lượng 6 - 7 tấn/ha bắp thì năm nay 1 ha chỉ đạt khoảng 4 tấn trở lại. Trong khi đó, chi phí đầu tư 1 ha là 8 triệu đồng, thời gian sản xuất 4 tháng, nhưng giá bán bắp thành phẩm (30 độ ẩm) chỉ có giá 3.650 đồng/kg, so cùng kỳ năm ngoái có giá bán 5.200 đồng/kg. Điều này dẫn đến thu nhập của bà con giảm thấp, có hộ chỉ huề vốn hoặc lỗ vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, năm nay giá thu mua bắp thấp hơn so mọi năm là do ảnh hưởng giá cả đầu ra thị trường chung (giá nhập khẩu bắp làm thức ăn gia súc thấp). Đồng thời cho biết, thời điểm này trung tâm bắt đầu thu mua bắp của đồng bào với sản lượng dự kiến khoảng 6.500 – 7.000 tấn. Hiện Trung tâm đang cố gắng tìm kiếm doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản cho bà con với giá có lợi nhất.
Bên cạnh đó, những năm qua, trong quá trình nhận đầu tư ứng trước để sản xuất bắp lai, đồng bào chỉ tập trung vào các loại giống chính là NK 7328 và giống CP 511, CP 512. Việc dùng một loại giống liên tục cho nhiều năm trên một vùng đất đã ít nhiều gây ra tình trạng thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sức đề kháng cũng như chất lượng và năng suất của cây bắp. Sản lượng trung bình hiện nay của các vùng chỉ đạt từ 5 - 6 tấn/ha.
Kỳ vọng vào các giống bắp mới
Xuất phát từ thực tế trên, cùng với chủ trương của UBND tỉnh trong việc khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, trong vụ hè thu năm 2023, Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam, UBND xã Hàm Cần và Đại lý thôn 1 thử nghiệm mô hình trình diễn giống bắp lai mới C.P 519 tại khu vực trồng bắp của hộ ông Mang Văn Dương, với diện tích thử nghiệm là 1 ha. Thời gian thực hiện từ 22/6 đến 6/10/2023. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện cho thấy, giống bắp lai C.P 519 có thời gian sinh trưởng từ 95 – 110 ngày, tỷ lệ mọc cao.
Ông Mang Văn Dương – chủ hộ thực hiện mô hình cho biết, quá trình theo dõi cho thấy giống bắp lai C.P 519 thích nghi rộng, phù hợp với nhiều hình thức canh tác khác nhau. Cây phát triển khỏe ngay từ giai đoạn cây con, bộ rễ to khỏe, thân cây bắp to, sinh khối lớn và khả năng chống ngã tốt; hạt bắp có màu vàng cam, tỷ lệ tách hạt cao từ 81 – 83%, trái bắp to, vỏ bao đóng kín trái giúp chống thối trái tốt, độ đồng đều cao, khả năng kết hạt tốt, năng suất hạt cao, khẳng định được tính ưu việt của giống... Theo tính toán, năng suất tiềm năng của giống bắp này cao hơn các loại bắp đại trà khác. Sau khi trừ các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thu nhập bình quân cho 1 ha giống bắp lai mới khoảng 19,5 triệu đồng, so với giống bắp lai cũ chỉ đạt gần 12 triệu đồng.
Tại buổi hội thảo đầu bờ giống bắp lai C.P 519 do Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh tổ chức mới đây tại xã Hàm Cần, 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng bắp lai nhận đầu tư ứng trước có mặt đều mong muốn được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và thâm canh cây bắp lai. Đặc biệt là việc sử dụng các giống mới nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đây cũng là cơ sở để người dân mạnh dạn lựa chọn các giống bắp lai mới thay thế các giống cũ trong các vụ tiếp theo. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu giống bắp lai, từng bước thúc đẩy sản xuất phát triển, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc.