140 dự án chậm triển khai xây dựng, do đâu?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:53, 07/08/2019

Thu hồi 73 dự án thiếu thiện chí đầu tư

BT- Thời gian gần đây, trên địa bàn Bình Thuận còn nhiều dự án tuy đã được chấp thuận đầu tư nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, không tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa hoặc triển khai xây dựng cầm chừng mang tính chất đối phó nhằm kéo dài thời gian triển khai để chờ tìm kiếm đối tác, sang nhượng dự án kiếm lời. Vì thế, từ đầu năm 2017 đến nay UBND tỉnh đã thu hồi 73 dự án không triển khai. Đồng thời, gia hạn 96 dự án chậm triển khai. Điều này đã tạo ra điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của địa phương. Mặt khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm bất ổn đời sống xã hội...

                
Một dự án du lịch ở Tân Bình (La Gi) kéo    dài gần 10 năm chưa hoàn thành.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đến đầu tháng 7/2019 trên địa bàn toàn tỉnh có 1.498 dự án đầu tư đã được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích 59.192 ha, có số vốn đăng ký đầu tư khoảng 301.712 tỷ đồng. Trong đó, có 1.021 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động kinh doanh, chiếm tỷ lệ 68,2%; 244 dự án có tác động triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 16,3%; 93 dự án mới có chủ trương đầu tư, chiếm tỷ lệ 6,2% và 140 dự án chậm triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 9,3%. Việc tồn tại nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư, nhưng chưa triển khai là một thực tế lo ngại vì làm giảm hiệu quả sử dụng đất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân việc chậm và chưa triển khai các dự án, trước hết là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian, do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù. Mặt khác, một số khu vực điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ (chưa có đường, nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải...), một số nhà đầu tư triển khai xây dựng cầm chừng hoặc chưa mạnh dạn triển khai xây dựng. Nhất là các dự án ở khu vực Long Sơn Suối Nước, khu vực giáp ranh xã Hòa Thắng, khu vực ven biển xã Tân Thắng, Thắng Hải… hiện chưa có đường vào, chưa có hệ thống nước sinh hoạt, nên các doanh nghiệp gặp trở ngại trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, có một số dự án chồng lấn quy hoạch cát đen. Các dự án này phải tạm ngừng để ưu tiên cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Hoặc một số dự án mới được bàn giao đất sau khi hoàn thành khai thác cát đen… Một số dự án khác vướng quy hoạch (kế hoạch sử dụng đất, đất rừng) nên phải làm thủ tục chuyển đổi đất rừng, trồng rừng thay thế, do đó mất nhiều thời gian. Các dự án khu vực xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam vướng quy hoạch Cảng Kê Gà, sau khi Chính phủ có chủ trương ngừng quy hoạch Cảng Kê Gà, các dự án mới hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng. Bên cạnh đó cũng có một số nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng đối phó, sang nhượng…

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các dự án sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý, theo dõi tình hình triển khai đầu tư của các dự án đầu tư, kịp thời đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng.

Để giúp các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến dân các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật xung quanh Luật Đất đai, Luật Xây dựng và tích cực hỗ trợ cho các chủ đầu tư thương lượng, tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong công tác đền bù giải tỏa. Đối với dự án không có đường vào, vướng quy hoạch thì trên cơ sở khả năng ngân sách và huy động đóng góp UBND huyện Hàm Tân, UBND thị xã La Gi sớm triển khai giải quyết các tuyến đường Tân Bình - Tân Hải, khu vực xã Tân Thắng - Thắng Hải… nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đường vào để triển khai thi công dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các khu vực có cát đen, thông báo cho các nhà đầu tư biết; đồng thời làm việc với đơn vị được phép khai thác xác định kế hoạch, thời gian khai thác và cam kết thời gian hoàn trả lại mặt bằng để các dự án chủ động triển khai xây dựng theo tiến độ đã đăng ký đầu tư.

HỒ NHẬT