Ngôi chùa đá trên đồi Cổ Thạch

Du lịch - Ngày đăng : 09:06, 15/10/2023

Cổ Thạch Tự (Bình Thạnh, Tuy Phong) được tạo dựng bởi những khối đá tự nhiên khổng lồ kết hợp với sự sáng tạo, bàn tay con người, nằm trên diện tích rộng hơn 4ha. Đá có nhiều hình thù kỳ lạ, tạo nên những hang động kỳ bí. Chính vì thế, mà người dân nơi đây gọi Cổ Thạch Tự (chùa Đá cổ) bằng cái tên rất dân dã là “chùa Hang”.
image44(1).jpg
Chùa Cổ Thạch nhìn từ trên cao
z4754953827183_fa38e54a188c7f5b4bd7024deeced19d.jpg

Chánh điện chùa Cổ Thạch

Đã nhiều lần đến với chùa Cổ Thạch tôi vẫn chưa cảm nhận và khám phá hết những điều linh thiêng và kỳ bí của ngôi chùa. Trong không gian tĩnh lặng chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào xa xa; thi thoảng ngân lên tiếng chuông chùa kéo dài. Những người đến chùa không chỉ vì tín ngưỡng, thắp nén hương cầu mong sự bình an, hay cầu nguyện Phật ban phước lành mà còn ước muốn chiêm ngưỡng một thắng cảnh đẹp tuyệt vời từ thiên nhiên. Anh Nguyễn Long - một du khách từ thành phố Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đến chùa thắp hương bái phật trong ngày cuối tuần tháng 9 chia sẻ: “Chùa không chỉ đẹp về lối kiến trúc, nét chạm trổ tinh tế, mà điều khiến du khách thích thú tìm hiểu, bỡi những cổ vật quý mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa như: Câu liễn, câu đối từ nhiều niên đại được chạm xà cừ, đại hồng chung... Chính cái vẽ đẹp tự nhiên, cổ kính vốn có của ngôi chùa mà đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, bái phật…”.

image46.jpg
image45.jpg

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian, chùa Cổ Thạch được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm, cổ kính và linh thiêng. Những di sản có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật từ xa xưa được gìn giữ và lưu truyền. Khuôn viên chính của chùa Cổ Thạch được thiết kế theo lối kiến Trúc cổ xưa từ cổng Tam Quan đến Ngọ Môn, có lầu Chuông và gác Trống, chánh điện chùa thờ Phật Tổ... tất cả đều được chạm trổ và điêu khắc một cách tinh tế. Các am thờ, điện, cóc…thiết kế len lỏi trong từng hang đá để thờ các vị bồ tát, nhà sư viên tịch. Những năm gần đây trong khuôn viên chùa được xây dựng thêm nhiều công trình như: Các pho tượng “Phật Bà Quan Âm” nằm rải rác theo bờ biển. Phía sau chùa có rất nhiều hang động, ăn sâu vào chân núi; có hang sâu hun hút mà người dân địa phương cho rằng đó là đường xuống “âm phủ”.

image52(1).jpg
Đứng ở chổ cao nhất ngọn đồi Cổ Thạch – nơi có ngôi chùa kỳ vĩ nhìn xuống là bãi đá Cà Dược chạy dài
z4754953842776_1eeebb341c8a758b4033fb7e9fb9f394.jpg

Đứng ở chổ cao nhất ngọn đồi Cổ Thạch – nơi có ngôi chùa kỳ vĩ nhìn xuống là bãi đá Cà Dược chạy dài (còn gọi là bãi đá bảy màu). Cách đó không xa là bãi đá lớn Bình Thạnh hình thù đa dạng, rêu xanh phủ đầy như chốn “bồng lai, tiên cảnh”. Lưng chừng đồi nhiều tảng đá chồng lên nhau như có ai sắp đặt sẵn. Có những tảng đá hình thù thật kỳ lạ giống như con voi, con đà điểu, cá heo, hải cẩu đan xen nhau…làm thành bao hang động nguyên sinh và huyền bí. Tất cả đã tạo cho Cổ Thạch “sơn thủy hữu tình”. Kể từ khi ngôi chùa Đá được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia, các tour du lịch hướng dẫn du khách đến Tuy Phong ngày càng nhiều và họ không thể bỏ qua thắng cảnh ngôi chùa Đá linh thiêng trên đồi Cổ Thạch.

ĐÌNH HÒA