Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: Thành quả từ sự kiên trì
Xã hội - Ngày đăng : 18:14, 14/10/2023
Đầu tháng 10/2023, thanh long tại địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, thương lái mua đủ giá nhưng điều đáng mừng đều trên 10.000 đồng/kg. Với mức giá ấy, nhà vườn không lỗ. 9 tháng qua, giá thanh long trồi sụt thất thường nhưng chung quy nhà vườn vẫn có đồng ra đồng vô. Nếu so năm 2022, thời điểm thị trường thanh long gần như đứng im, nhất là vào đầu năm thì sang năm 2023 này đã có tiến triển. Điều đáng nói, trong lúc không thu được gì ấy, nhà vườn ở đây vẫn kiên trì chăm sóc, thực hiện theo chuẩn VietGAP, theo các tổ liên kết và nhất là không phá bỏ như những huyện khác. Nhờ vậy, Hàm Thuận Nam vẫn giữ vững diện tích hiện có song song tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất thanh long VietGAP; tiếp cận kiến thức sản xuất áp dụng công nghệ cao để tiết giảm chi phí, tiết kiệm nước, tiết kiệm người lao động... Và khi nghe ngóng tình hình thị trường tốt lên thì tập trung sản xuất như dịp tết 2023, thanh long có giá cao, bất ngờ có một số nhà vườn thu tiền tỷ. Vì thế, tháng 2,3 năm nay, đi theo các tuyến đường qua các xã Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý hay ngược qua bên Hàm Thạnh, Mương Mán… là thấy những vườn thanh long nối tiếp xanh ngắt, được tưới pét phun nước tiết kiệm… Một hình ảnh phổ biến của sự chăm chút trở lại.
Kết quả, đến nay theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam, hầu hết các xã trong huyện đều phát hiện điểm nổi bật trong 9 tháng qua là thu nhập bình quân đầu người tăng hơn năm ngoái. Tất cả là nhờ thanh long bán được, dù giá lúc này lúc kia nhưng những dịch vụ kéo theo đã góp phần tạo công ăn việc làm, người dân có thu nhập. Kết quả điều tra thu nhập bình quân đầu người ban đầu từ một số xã cho thấy mức tăng cao. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người/năm 2023 của toàn huyện sẽ tăng hơn mức 49,26 triệu đồng/người của năm 2022.
Chính vì vậy, việc huy động vốn trong dân để xây dựng các công trình hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới cũng thuận lợi hơn. Tính đến tháng 9/2023 kết quả thực hiện Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, giai đoạn có những quy định nâng cao trong các tiêu chí hơn trước, Hàm Thuận Nam có lũy kế tiêu chí đạt 148 tiêu chí, bình quân 12,3 tiêu chí/xã. Trong đó, phần lớn các xã đã đạt 12 – 15/19 tiêu chí, riêng 2 xã đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh đạt 5/19 tiêu chí. Năm 2023 cũng là năm huyện Hàm Thuận Nam chọn xã phấn đấu đạt nông thôn mới là Tân Lập và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Hàm Cường.
Đến thời điểm này, xã Tân Lập đạt được 14/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, đạt 73.68%. Còn 05 tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí 5 (Trường học); Tiêu chí 15 (Y tế); Tiêu chí 17 (Môi trường và An toàn thực phẩm); Tiêu chí số 18 (Hệ thống chính trị xã hội và tiếp cận pháp luật); Tiêu chí 19 (Quốc phòng và An ninh). Trong khi đó, xã Hàm Cường cũng đã đạt được 12/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 7 tiêu chí chưa đạt bao gồm Tiêu chí 1 (Quy hoạch); Tiêu chí 2 (Giao thông ) Tiêu chí 5 (Giáo dục) Tiêu chí 13 (Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn) Tiêu chí 14 (Y tế); Tiêu chí 17 (Môi trường); Tiêu chí số 18 (Chất lượng cuộc sống).
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2023, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có mấy nổi bật. Đó là có nhiều công trình trường học ở các xã được triển khai xây dựng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt, vì có thu nhập tốt và vì chính quyền vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ hộ nghèo; nâng cao hơn tỷ lệ sử dụng nước sạch từ nhà máy. Còn với những tiêu chí chưa đạt trên, 2 xã Tân Lập, Hàm Cường đang tập trung thực hiện để kịp cho các sở, ngành chức năng đánh giá nỗ lực để về đích kịp năm 2023.