Sản phẩm OCOP và cơ hội quảng bá thương hiệu
Kinh tế - Ngày đăng : 19:42, 15/10/2023
Đây là một trong những cơ hội lớn để các mặt hàng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Bình Thuận được trưng bày, quảng bá rộng rãi đến du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Song song đó có thể đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo kế hoạch, hội chợ triển lãm dự kiến sẽ có khoảng 250 -300 gian hàng, trong đó bố trí 40 gian hàng để giới thiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, gồm mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm tiêu dùng…
Để tổ chức tốt hội chợ triển lãm, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh. Riêng Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Sở Công Thương tổ chức trưng bày, giới thiệu những thành tựu của ngành, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tại khu trưng bày gian hàng. Đồng thời chủ trì vận động các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu tại hội chợ. Ngay khi có kế hoạch của UBND tỉnh và được phân công nhiệm vụ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã thông tin rộng rãi cho các chủ thể OCOP và cán bộ quản lý OCOP các địa phương để theo dõi, vận động các chủ thể. Mặt khác hướng dẫn các chủ thể đăng ký theo mẫu gửi ban tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 12 chủ thể OCOP đăng ký tham gia.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã công nhận thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao với 2 chủ thể, nâng tổng số toàn tỉnh có 76 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Trong đó có 40 sản phẩm đạt 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao với 48 chủ thể (gồm 15 chủ thể là hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 19 doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh). Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời khảo sát các địa điểm có nhu cầu mở điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… để có kế hoạch hỗ trợ. Song song, tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại sản phẩm…
Đáng chú ý, hiện Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển, nhân rộng nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ tính đến nửa đầu năm 2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó đã có gần 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Tuy vậy, một thực tế cần nhìn nhận, đó là sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng chưa nhiều, ít xuất hiện tại các khu mua sắm thương mại, siêu thị…
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại. Còn theo định hướng của tỉnh Bình Thuận, một trong các giải pháp để xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo cơ hội quảng bá thương hiệu cho sản phẩm OCOP là tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Song song, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Đồng thời tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu theo nhu cầu từng thị trường. Cùng với đó, xúc tiến, khảo sát, xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh, các vị trí có giao thông thuận lợi, đông người qua lại, khu dân cư đông đúc…