Chuyện nuôi bò lai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 06:16, 17/10/2023
Bò lai
Bò - một trong những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS có diện tích rừng. Theo ông Nguyễn Văn Phú, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi bò ở thôn đồng bào Ku Kê, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Bắc: Nuôi bò dễ bán, có lợi về mặt kinh tế hơn, chưa kể nó giúp cày, kéo hàng hóa. Với con vật nuôi khác như heo, gà… đủ lớn phải bán, nếu không sẽ tốn tiền mua thức ăn, chất lượng thịt kém, còn với con bò chỉ tốn công cắt cỏ cho ăn hoặc chăn dắt ngoài đồng.
Với ưu điểm ấy, bò trở thành vật nuôi thiết thực nhất trong các chương trình, chính sách chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước bao gồm các tổ chức xã hội, cá nhân. Những năm gần đây nhu cầu sử dụng thực phẩm thịt bò ngày càng cao, cùng với sự phát triển của khoa học đã cho ra đời nhiều giống bò lai, trong đó có bò Lai Sind đã và đang nuôi phổ biến ở các tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Thuận đã vay ngân hàng đầu tư nuôi, với hy vọng đổi đời. Chị Mang Thị Yến ở thôn Ku Kê là điển hình, năm 2019 vay Ngân hàng Chính sách xã hội theo diện hộ nghèo, mua bò cái Lai Sind. Đến nay là 5 năm, bò sinh sản được 2 bê con, nhưng chị vẫn chưa ưng ý vì như vậy là... chậm.
Hầu hết những hộ nuôi bò lai nhận thấy đặc tính của bò lai khác bò ta (loài bò truyền thống ở Bình Thuận), với bò lai phải chăm sóc kỹ, thả đồng kém tự biết kiếm ăn, dễ bị bệnh… còn bò ta dễ nuôi hơn, thích nghi tốt với mọi điều kiện thời tiết, có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, phụ phẩm nông nghiệp, chịu được kham khổ khi thiếu thốn nguồn thức ăn. “Bò lai là dạng bò công nghiệp, cần phải chăm sóc kỹ thì mới mang lại hiệu quả kinh tế. Trường hợp bò chậm sinh sản có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể hộ nuôi không theo dõi thời kỳ động đực, để cho thời kỳ này trượt qua; chăm sóc bò không đầy đủ nên bò không sung mãn”, ông Phú giải thích.
Ngại nuôi bò lai
Cũng theo ông Phú, cái gì cũng có cái giá của nó, bò lai khi xuất chuồng bán với giá hơn 10 triệu đồng/con, còn bò ta chỉ 7 – 8 triệu đồng/con… Song nhiều hộ dân vẫn ngại nuôi vì tập quán đi rừng, làm rẫy, quen với phương thức chăn nuôi đơn giản, cứ sáng thả lên rừng hoặc bãi đất trống, chiều lùa về chuồng… “Thấy người ta nuôi bò lai mình cũng ham nhưng sợ không quen chăm sóc, lỡ bò chết lại mang nợ, vì đầu tư mua một con bò đâu phải ít tiền…”, ông Mang Minh - một trong số hộ ở thôn Ku Kê và nhiều nơi khác có chung tư tưởng chia sẻ.
Tuy vậy, trên thực tế, dù bò lai hay bò ta đều là con vật mơ ước của người đồng bào DTTS để cải thiện cuộc sống. Những chuyện ngại ngần, xuất phát từ điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Nếu có điều kiện họ cũng đầu tư nuôi, chăm sóc dựa trên kiến thức của những người đã học qua các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi trâu, bò cái sinh sản cho các hộ đồng bào tham gia mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135.
Ông Nguyễn Văn Tấn – Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, lâu nay bà con quen nuôi bò ta, khi chuyển sang nuôi bò lai có phần còn bỡ ngỡ. Song, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chương trình, chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế cho vùng đồng bào DTTS như hiện nay sẽ thay đổi suy nghĩ và cách chăn nuôi ở các hộ dân. Huyện Hàm Thuận Bắc hiện đang tập trung vào liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị… để nâng cao chất lượng cây trồng. Huyện cũng đang chỉ đạo cho các xã rà soát lại hộ nghèo nào có nhu cầu hỗ trợ cây, con giống lập danh sách hỗ trợ.