Sản phẩm, dịch vụ lợi thế của Bình Thuận: Kỳ vọng từ Chương trình OCOP

Kinh tế - Ngày đăng : 08:58, 01/08/2019

BT- Vừa qua, đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” (còn gọi Chương trình OCOP) đã được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt. Xác định phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị gắn phát triển nông thôn với đô thị, nên Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ tạo nét khởi sắc cho sản phẩm, dịch vụ lợi thế ở địa phương…
                
      
   Thanh long và các sản phẩm từ thanh long    có nhiều lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP Bình Thuận.

Theo đó Chương trình OCOP Bình Thuận được triển khai qua 2 giai đoạn, mục tiêu chung là hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập lẫn đời sống cho nhân dân, thực hiện hiệu quả tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình này cũng được kỳ vọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, nhất là với thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng (hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể…). Từ đây sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa bàn bằng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế của Bình Thuận, đồng thời góp phần gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.

Ngay trong giai đoạn đầu (2019 - 2020), Bình Thuận bước vào phát triển sản phẩm OCOP bằng việc công nhận hoặc chứng nhận cho 3 sản phẩm cấp quốc gia mà chủ yếu là trái thanh long tươi, nước mắm và trầm hương. Đối với cấp tỉnh thì có khá nhiều sản phẩm lợi thế cần phát triển, gồm sản phẩm từ trái thanh long, rau an toàn, nấm linh chi, dưa lưới, hạt điều, bánh rế, cốm, hải sản khô - đông lạnh… Bên cạnh đó, trong danh mục sản phẩm cũng xác định một số đặc sản của từng địa bàn như: Mủ trôm, ớt chim, nho đỏ, đinh lăng (Tuy Phong), cua huỳnh đế, trà dứa gai (Phú Quý), cá thát lát (Tánh Linh), bưởi da xanh Đông Hà (Đức Linh)… Riêng các nhóm ngành nghề khác có dệt thổ cẩm, gốm gọ (Bắc Bình), gỗ mỹ nghệ (Hàm Tân), tranh cát (TP. Phan Thiết), dịch vụ du lịch núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), dịch vụ khu du lịch Bình Thạnh (Tuy Phong).

Ở giai đoạn đầu, chương trình dự kiến lựa chọn, hoàn thiện và nâng cấp 8 - 10 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương, ngoài ra còn xây dựng 1 - 2 dịch vụ du lịch cộng đồng. Tiếp nữa là lựa chọn, củng cố phát triển 25 - 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ở các địa bàn để tham gia Chương trình OCOP. Song song đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm cũng được tính đến để tạo dựng nhãn hiệu cho 7 - 10 sản phẩm, triển khai 10 - 15 quầy bán sản phẩm OCOP ở các địa bàn trọng điểm trong tỉnh. Hoặc thiết lập kênh phân phối sản phẩm OCOP Bình Thuận ở các chợ đầu mối ngoài tỉnh mang tính chất lan tỏa như tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội và các tỉnh khác.

Còn giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025, tầm nhìn 2030), sau khi đánh giá hiệu quả của giai đoạn đầu thì Chương trình OCOP Bình Thuận sẽ tập trung phát triển thêm hơn 20 sản phẩm mới. Trong đó có định hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sau chế biến của thanh long, nâng cấp sản phẩm có sức cạnh tranh trung bình và phát triển mới khoảng 30 - 40 tổ chức tham gia. Theo danh mục OCOP giai đoạn này có một số sản phẩm tiềm năng như tổ yến, nấm bào ngư, thịt bò 1 nắng… và các dịch vụ làng nghề nước mắm, dịch vụ tham quan vườn nho, du lịch vườn thanh long. Mặt khác còn có sự tham gia của dịch vụ homestay (Hàm Thuận Nam), khu du lịch Dinh Thầy Thím, khu du lịch cộng đồng Cam Bình (La Gi), khu du lịch sinh thái Bàu Trắng (Bắc Bình), khu du lịch Thác Ba Tầng (Đức Linh)…  

Với Chương trình OCOP Bình Thuận, UBND tỉnh cũng đã đề ra giải pháp thực hiện, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch trong thời gian tới theo từng giai đoạn và hàng năm.

QUỐC TÍN