Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Dục Thanh

Chính trị - Ngày đăng : 05:02, 24/10/2023

Bên dòng sông Cà Ty hiền hòa, thơ mộng, nằm ngay trung tâm TP. Phan Thiết, một công trình tưởng niệm có ý nghĩa tinh thần vô giá của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu. Đó là Khu Di tích Dục Thanh - Phan Thiết, nơi đây đã từng in dấu chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người 20 tuổi) dừng chân dạy học một thời gian ngắn từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911.

Du khách từ mọi miền đất nước hội tụ về đây với tất cả tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính và biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu – Anh hùng giải phóng dân tộc – Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, để tìm hiểu sâu kỹ hơn về cuộc đời cao đẹp của Người, từ nếp sống thanh cao, giản dị đến tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Đặc biệt đã khắc họa nên chân dung của một người thầy giáo trẻ, hết lòng hết sức chăm lo sự nghiệp trồng người.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-va-doan-cong-tac-tham-quan-khu-di-tich-duc-thanh.jpg

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi trường xưa Bác dạy, đồng thời, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều năm qua, Khu Di tích Dục Thanh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức những chuyến tham quan đưa học sinh, sinh viên thăm lại trường xưa Bác dạy và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Các lễ dâng hoa, báo công viếng Bác, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, lễ tuyên dương giáo viên, học sinh giỏi, các buổi sinh hoạt truyền thống, xem phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao lưu tìm hiểu “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh”, “Thăm trường xưa nhớ Bác”, “Bác Hồ kính yêu của chúng em”… Qua đó, tạo sự gắn kết giữa Khu Di tích và trường học, thu hút sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình của các em học sinh, sinh viên và giáo viên nhà trường.

cac-em-hoc-sinh-den-tham-quan-gian-trien-lam-cua-bao-tang-ho-chi-minh-chi-nhanh-binh-thuan-tai-hue-thang-7-2023.jpg

Từ đó, các em học sinh, sinh viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển. Để mỗi chuyến tham quan không chỉ là buổi hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống, nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó chính là sự thu hút, sức cảm hóa đặc biệt của Khu Di tích Dục Thanh – một “trường học” lớn, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện qua phong cách sống và dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Những năm gần đây, Khu Di tích đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi hình thức tuyên truyền, từ trực tiếp sang trực tuyến: Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phan Thiết xây dựng nội dung tuyên truyền online, giới thiệu quá trình hình thành và phát huy giá trị Khu Di tích Dục Thanh, sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết – Bình Thuận, tham gia giảng dạy tại nhà trường, trên bước đường ra đi tìm chân lý cứu dân, cứu nước. Đồng thời, đơn vị chủ động phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa năm 2023, với nhiều mô hình, chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả: mô hình “Giờ học lịch sử online”, trò chơi “Hành trình theo chân Bác”, chương trình trải nghiệm thực tế “Chúng em làm thuyết minh viên Khu Di tích Bác Hồ”… Tham gia các hoạt động ý nghĩa này, kiến thức nhờ vậy khắc sâu hơn và đưa môn lịch sử trở nên gần gũi, sinh động với các em học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Thời gian qua, đơn vị cũng tích cực xúc tiến các hoạt động quảng bá, tuyên truyền về Khu Di tích Dục Thanh qua nhiều kênh thông tin, như: Đưa tin các hoạt động của Bảo tàng và Khu Di tích trên trang fanpage Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; Viết bài đăng trên trang website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, các báo, tạp chí, đặc san tư liệu. Phối hợp với Đài Truyền thanh TP. Phan Thiết, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, VTV8, ANTV, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương… thực hiện nhiều phóng sự, chương trình, phim tài liệu về Khu Di tích Dục Thanh và thầy giáo Nguyễn Tất Thành, như: “Trường Dục Thanh – Nơi in dấu hành trình của Bác”, “Người ươm mầm năm ấy”, “Dục Thanh vang mãi tên Người”, MV “Nơi Bác dừng chân” (Tác phẩm tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41), ký sự “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”… góp phần lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Khu Di tích còn tổ chức trưng bày các đợt triển lãm chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng”, ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu “Sắc xuân Bình Thuận”, “Nét phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”… đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Cùng với hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, vừa qua đơn vị tham gia triển lãm “Di sản Hồ Chí Minh - Hội tụ niềm tin, thắp sáng tương lai” tại Thừa Thiên Huế vào tháng 7/2023 và triển lãm “Hội tụ lan tỏa giá trị văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh” tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái trong tháng 9/2023. Với gian trưng bày “Nơi này Bác đã đi qua” giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Bình Thuận, góp phần đưa di sản văn hóa Hồ Chí Minh và quảng bá hình ảnh Khu Di tích Dục Thanh nói riêng, du lịch Bình Thuận nói chung nhân sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 đến gần hơn với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Hiện nay, đơn vị đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh mà Bác đã để lại trên quê hương Bình Thuận: Phối hợp Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng Bảo tàng 3D Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận trên trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh (https://hochiminh.vn); Thực hiện số hóa các tác phẩm về Hồ Chí Minh khi dạy học ở Trường Dục Thanh – Phan Thiết: “Bác Hồ ở Phan Thiết”, “Mãi mãi theo con đường của Bác”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Phan Thiết”, “Bác Hồ với quê hương Bình Thuận”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh”. Đây là những hoạt động thiết thực giúp nhân dân và du khách có thể tiếp cận để tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đặc biệt là thời gian Người dừng chân dạy học tại Phan Thiết.

Trải qua 30 năm phấn đấu và trưởng thành, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị luôn nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, để tư tưởng của Bác ngày càng thấm sâu, lan tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Để Khu Di tích Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận xứng đáng là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Bình Thuận, địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc và là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận.

Tính đến đầu tháng 10/2023, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ 2.924 đoàn với 144.330 lượt người, trong đó có 280 lượt khách nước ngoài, gồm: Ba Lan, Ấn Độ, Pakistan, Đan Mạch, Anh, Úc, Đức, Philippines, Nga, Singapore… đến tham quan, viếng Bác. Tổ chức 351 lễ viếng, báo công, tuyên dương, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, giao lưu, sinh hoạt chuyên đề…

Lê Thị Phương Thảo