Xây dựng hệ sinh thái thanh long bền vững: Cơ hội để thanh long Bình Thuận nâng tầm giá trị. Bài 2

Kinh tế - Ngày đăng : 04:54, 27/10/2023

Bài 2: “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - câu nói của tỷ phú Warren Buffett được xem như động lực trong hành trình “vươn xa” ở các thị trường của thanh long Bình Thuận nói chung và HTX hệ sinh thái thanh long nói riêng. Với mong muốn thanh long Bình Thuận nâng tầm giá trị ở diện rộng hơn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, buộc người dân, doanh nghiệp phải thích ứng với xu thế tất yếu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.

Sự đồng hành của Đoàn ĐBQH Bình Thuận

“HTX Hệ sinh thái ra đời tuy còn mới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có những đơn hàng đi chính ngạch vào các thị trường khó tính và được nhiều nông dân trong tỉnh ủng hộ, muốn tham gia” - ông Phan Đình Khiêm – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bình Thuận không giấu được niềm vui, chia sẻ. “Quả ngọt” ấy, sẽ không thể không nhắc đến sự đồng hành của Đoàn ĐBQH Bình Thuận trong suốt thời gian qua.

z3777708038935_70b268253769edd0cdea56df0941aedc.jpg
ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến rất tâm huyết với trái thanh long Bình Thuận.

Đó là vào thời điểm đầu năm 2022, với rất nhiều tâm huyết dành cho trái thanh long Bình Thuận, ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV - ĐBQH tỉnh Bình Thuận trong các lần tiếp xúc cử tri với người dân đã ghi nhận nhiều ý kiến, “tiếng lòng” của người dân sản xuất thanh long đang “bế tắc” đầu ra, chi phí đầu vào tăng khiến không ít bà con phải chặt bỏ cây hoặc không tái đầu tư chăm sóc, cuộc sống kinh tế rơi vào khó khăn. Bà con mong muốn ĐBQH và các cấp, các ngành đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ, định hướng, giúp nông dân phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp. Ở những kỳ tiếp xúc cử tri ấy, ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến đặt câu hỏi: Tại sao thanh long ở Bình Thuận nhiều thời điểm dư thừa, không tiêu thụ được, trong khi đó người Hà Nội muốn ăn thanh long không biết mua ở đâu?

Tháng 5/2022, sau đợt khảo sát thực tế tại các vùng trồng thanh long Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp UBND tỉnh tổ chức hội thảo, nhằm tìm ra giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Dương Văn An nhấn mạnh: Chúng ta phải chú trọng tăng giá trị thanh long chứ không phải tăng sản lượng. Phải chuyển đổi mô hình kinh tế từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, giúp phát triển ngành nông nghiệp, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

z4816463641307_e19791818995b064fb7a0456aa758dd5.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, khảo sát một số HTX trên địa bàn tỉnh.

ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến cũng mong muốn nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh duy trì sản xuất thanh long sạch cho thị trường. Trước hết, đề xuất giải pháp liên kết chuỗi đặt hàng thanh long sạch ở một số thị trường trong nước. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát sản xuất. Phải có sự vào cuộc của tổ chức trung gian, kết nối nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ, bởi đây là xu hướng rất tiến bộ. Ngay sau hội thảo diễn ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng Liên minh HTX Bình Thuận đã nỗ lực, hỗ trợ, vận động, làm cầu nối để HTX Hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long ra đời. Từ đó, hiện thực hóa ước mơ giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch và an toàn.

z4816462818206_a3494d32258fc94e920f68eb9204bcc3.jpg
Qua khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt được những khó khăn về đầu ra mà các HTX đang gặp phải.

Hướng đến tiêu thụ bền vững

Là một trong những thành viên tham gia hệ sinh thái, bà Nguyễn Hoàng Thư Hương - HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Nông dân cam kết sẽ “đi cùng nhau” sản xuất và thu hoạch đúng theo tiêu chí của HTX Hệ sinh thái để thanh long Bình Thuận nâng tầm giá trị, có lối đi riêng và không quá phụ thuộc vào 1 thị trường như trước đây.

z4801437290905_1999fd684317f788852a054c47ff0a20.jpg
Phải hướng nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch và an toàn.

Những lô hàng xuất khẩu của HTX Hệ sinh thái không phải là lần đầu tiên thanh long Bình Thuận được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu chính ngạch những năm qua vẫn còn ít, chưa đảm bảo tính bền vững cho thị trường thanh long chung toàn tỉnh. Thêm vào đó, tháng 2/2023 thông tin Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm với diện tích 67.000 ha, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng. Riêng Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác từ 3.000 ha thanh long hiện nay lên 55.000 ha trong 5 năm tới. Đây là một thách thức không hề nhỏ, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn cho trái thanh long Việt Nam…

z4801437355554_dd6c9b4d44f32ca5c092123bf9022b08.jpg
Gian hàng thanh long của HTX Hệ sinh thái

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới để người trồng thanh long bẻ lái vào thị trường nội địa rất “màu mỡ” mà bấy lâu ít người quan tâm. Cùng với đó là chú trọng chế biến sâu mặt hàng thanh long. Theo đề xuất của Hiệp hội rau quả Việt Nam, ngoài các phương pháp chế biến hiện nay, chúng ta có thể nghiên cứu bào chế thanh long trong sản xuất các mỹ phẩm phục vụ làm đẹp như mặt nạ, kem dưỡng da, tinh dầu… cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như vài nước Nam Mỹ đang làm. Vấn đề cốt lõi là cần tập trung tổ chức lại sản xuất thanh long đi vào chiều sâu, không mở rộng thêm diện tích mới. Khi tổ chức lại sản xuất, phải có quy trình bài bản, tuân thủ quy định của các thị trường như đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, tiến tới sản xuất sạch, tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Thêm yếu tố quan trọng là thương hiệu thanh long Bình Thuận đang bị lẫn trong muôn vàn các loại khác, bao bì bảo quản chưa thích nghi với điều kiện vận chuyển đường dài… Do đó, cần có chiến lược marketing và nhận diện thương hiệu thanh long Bình Thuận để định vị lại thị trường.

z4745379301763_e32021fef62ced09bf994fcdbd9e1ad3-1-.jpg
Cần có chiến lược marketing và nhận diện thương hiệu thanh long Bình Thuận để định vị lại thị trường.

Theo Liên minh HTX Bình Thuận, HTX Hệ sinh thái ra đời với mục tiêu liên kết tất cả các HTX trên địa bàn toàn tỉnh và những nông dân đang trồng thanh long thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo thương hiệu, để HTX này không chỉ cung cấp thanh long sạch cho thị trường nội địa mà ra thế giới. Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ chọn HTX Hệ sinh thái là cầu nối để hỗ trợ, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi, với mục tiêu chung nâng tầm giá trị trái thanh long Bình Thuận.

z4816477965317_8fa714aced63e5810771510b11251ae7.jpg
Người sản xuất phải thay đổi tư duy, với mục tiêu chung nâng tầm giá trị trái thanh long Bình Thuận.

      Bình Thuận hiện có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với khoảng 28.000 ha, sản lượng gần 600.000 tấn/ năm. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2024, HTX hệ sinh thái triển khai quy mô 100 ha với sản lượng 2.000 tấn tại huyện Hàm Thuận Bắc với phương thức canh tác hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP. Giai đoạn 2025 - 2027, HTX hệ sinh thái sẽ triển khai diện tích 1.000 ha với sản lượng 20.000 tấn. Đến thời điểm này đã có 47 hộ đăng ký tham gia dự án hệ sinh thái với khoảng 200 ha, trong đó có 7 HTX và 2 tổ hợp tác với gần 185 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Theo Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận

Bài 1: Thị trường tiềm năng cho thanh long sạch

K.Hằng - M. Vân