Thảo luận cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Chính trị - Ngày đăng : 09:26, 28/10/2023
Tham gia ý kiến, các đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là đúng thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu thực tế.
Quy định rõ ràng để có cơ sở thực hiện
Góp ý cụ thể tại Điều 3 - Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên nêu rõ: Tại Khoản 1 Điều 3 quy định một trong những nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm đó là “Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Theo đại biểu Nguyên, quy định như thế này không rõ là bắt buộc Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh cùng đề xuất hay chỉ cần Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh đề xuất là đã đáp ứng yêu cầu. Hoặc nếu là cả 2 trường hợp thì khi nào sẽ chỉ Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh đề xuất; khi nào sẽ phải là Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh cùng đề xuất đồng thời cũng không rõ quy trình thực hiện đối với từng trường hợp như thế nào? Do vậy đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này, quy định rõ ràng để có cơ sở thực hiện.
Về quy định đối với các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương, dự án giao thông đường bộ nhiều địa phương có nhu cầu thí điểm. Khoản 2, Điều 5 và khoản 2, Điều 6 dự thảo Nghị quyết hiện đang quy định thủ tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết này đối với các dự án khác không thuộc Danh mục dự án tại Phụ lục số 02, Phụ lục số 03 nhưng trong quá trình thực hiện Nghị quyết nếu đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và có nhu cầu thí điểm thì trong trường hợp giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc giao cho một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Dự thảo quy định như vậy nhưng chưa có quy định về việc nếu Chính phủ trình vào giai đoạn của kỳ họp. Việc bổ sung dự án trong trường hợp này thì sẽ bổ sung ở Danh mục các dự án tại Phụ lục 02, Phụ lục 03 hay xem xét, quyết định đối với từng dự án cụ thể? Do đó, đại biểu Nguyên đề nghị nội dung này cũng cần được làm rõ và quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết.
Đối với cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đề nghị quy định Khoản 2, Điều 7 theo hướng tương tự như Khoản 2, Điều 5 và Khoản 2, Điều 6 theo hướng quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền rà soát, báo cáo Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm thống nhất với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết...
Triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù
Thảo luận về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP), ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ cho biết, năm 2020 đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và có hiệu lực ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc nguyên nhân là do huy động vốn khó khăn; cơ chế chính sách thay đổi, dẫn đến cơ chế bảo vệ cho nhà đầu tư không đảm bảo nên nhà đầu tư không mặn mà. Bày tỏ phân vân liên quan đến hạn chế trong BOT thời gian qua, đại biểu Sỹ cho rằng, vấn đề này chưa có đánh giá để tháo gỡ vướng mắc, nhất là lưu lượng xe để thu phí hoàn vốn. Theo đại biểu Sỹ, hiện nay giao thông nhiều, tuyến nào thu phí thì người dân không đi dẫn đến việc đánh giá lưu lượng xe khó chính xác. Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 4 có nêu tỷ lệ vốn Nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư, đại biểu phân vân căn cứ luật vậy đã đúng chưa?
Mặt khác, trong danh mục dự án đưa ra chỉ có tuyến đường ven biển của tỉnh Thái Bình. “Tại sao chỉ có một dự án? Do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Chính phủ không thông báo đến các địa phương để đăng ký hay có thông báo mà không ai tham gia? Mặc dù trong khoản 2 Điều 4 nêu sau này các dự án nếu có thì trình Thường vụ Quốc hội xem xét giữa 2 kỳ họp. Như vậy, ngân sách có đảm bảo không trong khi vốn đầu tư công trung hạn đã tính toán bố trí hết rồi? Tôi đề nghị phải tính toán hiệu quả nếu không sau này sẽ vướng về nhiều vấn đề” - đại biểu Sỹ nói.
Bày tỏ thống nhất về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường, đại biểu Sỹ cho rằng thời gian qua làm các tuyến cao tốc Bắc – Nam Quốc hội có Nghị quyết 43 cho cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, sau khi triển khai chậm đánh giá, tổng kết nên chưa rút kinh nghiệm để thực hiện cơ chế mới. Đại biểu Sỹ cho biết, mới đây Thanh tra Chính phủ đã thanh kiểm tra các tuyến cao tốc thì nhiều địa phương bị sai phạm, trong đó Bình Thuận chậm làm thủ tục để cấp mỏ khai thác vì thủ tục rất là dài. Do vậy cần thiết phải có cơ chế đặc thù để thủ tục rút gọn, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ của công trình giao thông. Theo đại biểu Sỹ, cơ chế đặc thù cần có một quy trình hướng dẫn rõ ràng, rút gọn để đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó lưu ý là phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng các chủ mỏ được áp dụng cơ chế đặc thù nhưng lại bán vật liệu cho nhiều nơi khác...