Đào tạo và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Bình Thuận
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:45, 30/10/2023
Đội ngũ cán bộ là người DTTS có sứ mạng quan trọng là thành phần tạo nên khối đại đoàn kết trên địa bàn. Họ là những người phục vụ dân tộc, định hướng dẫn dắt dân tộc đi đúng hướng, đi theo Đảng.
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Việc thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS ngày càng cải tiến, khoa học hơn, gắn với các giải pháp tổ chức thực hiện cùng nguồn lực bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng các trường dân tộc nội trú tuyến huyện và tỉnh, đáp ứng cho học sinh dân tộc được học nội trú tại trường. Sau khi tốt nghiệp, một số em được xét tuyển vào các trường dự bị đại học và một số trường cao đẳng, đại học. Các em trở thành nguồn cán bộ rất tốt phục vụ cho công tác ở địa phương vùng dân tộc của tỉnh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS của tỉnh được quan tâm cụ thể với những đổi mới về nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ người DTTS được cử đi đào tạo lý luận chính trị trung cấp, cao cấp; tham gia các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bổ sung cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ trẻ, nữ người DTTS được quan tâm cử tuyển đi học chuyên môn, nghề nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học, sau đại học, chuyên khoa để trở về phục vụ quê hương.
Không chỉ bồi dưỡng kiến thức văn hóa, lý luận chính trị, chuyên môn, nhiều chính sách về giáo dục hướng nghiệp liên quan đến thanh niên DTTS đang được triển khai tại các địa phương và Trường Cao đẳng Bình Thuận, qua đó góp phần nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận cơ hội phát triển sinh kế cho thanh niên DTTS. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chú trọng tạo điều kiện cho phụ nữ người DTTS tham gia ngày càng nhiều vào công tác chính quyền, đoàn thể; phát huy tài năng, sở trường của họ trong các lĩnh vực phù hợp.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, huyện. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ người DTTS, người uy tín tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, ở một số địa phương chưa được thể hiện hoặc thể hiện một cách chưa đầy đủ; nhiều lĩnh vực được quy định trong các văn bản luật nhưng chưa được cụ thể hóa; còn chung chung, thiếu tính hệ thống, đồng bộ và khả thi, chưa bảo đảm tính đặc thù gắn với yêu cầu phát triển của địa phương; có nơi, số cán bộ người DTTS chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số cán bộ; có nơi chưa chủ động, tích cực đào tạo cán bộ DTTS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS nhìn chung vẫn còn hạn chế về quy mô, cơ cấu đào tạo. Số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được đào tạo về chuyên môn, về lý luận chính trị, quản lý nhà nước chưa đạt tỷ lệ như mong muốn…
Ðào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài. Ðể bảo đảm phát triển nhanh vùng đồng bào DTTS, trước mắt, cần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, có chính sách đối với người tiêu biểu của các DTTS. Cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính đặc thù nhưng không tách biệt với công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS theo lộ trình, đảm bảo tính liên tục, kế thừa của các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp; tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các trường nội trú, dạy nghề, cao đẳng, đại học gắn với đặc thù của địa phương; nâng cao cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cũng như rèn luyện thể chất, trí tuệ của người DTTS. Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức DTTS sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, thúc đẩy hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát huy nguồn lực con người; để các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tương xứng với tiềm năng, vị trí quan trọng của địa phương.
Trước yêu cầu mới của công cuộc phát triển đất nước và tỉnh nhà, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, nhất là cần tạo môi trường, cơ hội để họ vươn lên. Một trong những nhân tố quan trọng là các cấp ủy Đảng và chính quyền phải quan tâm thực chất hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với cán bộ người DTTS. Tăng cường quy hoạch cán bộ trẻ người DTTS, đồng thời có kế hoạch gửi đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao tri thức, cập nhật thông tin, bổ sung và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực chuyên môn để nâng cao hiệu quả công tác cho cán bộ người DTTS trong toàn tỉnh.
Sự hiểu biết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ người DTTS là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực nội sinh vùng đồng bào DTTS, cũng như hiệu quả việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối. Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS cho từng địa phương, cụ thể hóa thêm chính sách cán bộ đối với một số nhóm dân tộc. Xây dựng đội ngũ này để tăng cường tham gia vào bộ máy nhà nước ở tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đủ mạnh. Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch dự báo nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận.