Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Cần quy định rõ về phạm vi bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở

Chính trị - Ngày đăng : 11:23, 31/10/2023

Tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng nay 31/10, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có nhiều nội dung quy định điều chỉnh phù hợp với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và sát với tình hình thực tế hiện nay về kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân.

Góp ý cụ thể tại Điều 6 - Về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, tại khoản 1 quy định về nơi công khai thông tin điện tử trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của luật này và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có), trong trường hợp nếu doanh nghiệp không có trang thông tin điện tử đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không công khai thông tin về bất động sản, là chưa tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nguồn thông tin một cách minh bạch. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần quy định cụ thể: Công khai thông tin trên trang thông tin điện tử chung của địa phương, của từng địa bàn có bất động sản và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bỏ từ “nếu có” để công khai, minh bạch cho người dân và cơ quan nhà nước biết.

Tại Điều 8 - Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần bổ sung hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, tham gia đấu giá nhằm thổi giá đất ở khu vực xung quanh vào dự thảo luật. Vì thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra khắp nơi làm cho giá đất tăng cao, người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, về bất động sản thì không thể nào mua đất để xây nhà ở.

2.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông tham gia thảo luận tại hội trường sáng nay 31/10.

Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai tại Điều 26, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ về phạm vi bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều 26 “…số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng và các khoản tiền khác (nếu có) theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đã ký mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết”; vì theo đại biểu cần xác định rõ số tiền “chủ đầu tư đã nhận ứng trước” là khoản tiền nào? Có phải là tiền đặt cọc không? Các khoản tiền khác là gì? Nội dung này đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Góp ý tại Điều 43 - Về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung quy định về hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê nhà ở thương mại vào khoản 1 Điều 43 để phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

Về sử dụng hợp đồng trong kinh doanh bất động sản - Điều 44, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung khoản 3 vào Điều 44 nội dung sau: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản có sự tham gia của cá nhân thì phải được công chứng, chứng thực”. Lý giải điều này, đại biểu cho biết, thời gian qua, yếu tố bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch kinh doanh bất động sản chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vụ án lớn xảy ra xuất phát từ các vi phạm của chủ đầu tư gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng cả về giá trị và số lượng. Những vi phạm này ngày càng phổ biến và người tiêu dùng (bên yếu thế) trong giao dịch bất động sản với chủ đầu tư chưa được bảo đảm an toàn một cách đúng mức. Do đó, các giao dịch kinh doanh bất động sản có sự tham gia của ít nhất một bên là cá nhân thì cần bắt buộc phải công chứng để bảo đảm nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử giữa các chủ thể được quy định trong Hiến pháp 2013 và tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời bảo đảm quyền lợi của bên yếu thế khi tham gia giao dịch kinh doanh bất động sản.

T.HÀ